Thể chế, chính sách đã tạo lập được hành lang pháp lý quan trọng
Chiều 29/11, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị Báo cáo Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (Nghị quyết 29).
Đánh giá cao dự thảo báo cáo Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 đã phản ánh toàn diện kết quả đạt được trong quá trình đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT của đất nước, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, việc triển khai tổng kết Nghị quyết 29 phải gắn chặt với các Nghị quyết liên quan của Đảng; nhất là những đổi mới về GD&ĐT gắn với triển khai, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII; những hạn chế, yếu kém cần phải khắc phục trong thời gian tới. Bên cạnh đó, dự thảo đề án phải khẳng định được những thành tựu của lĩnh vực GD&ĐT có đóng góp không nhỏ vào mọi mặt của đời sống, từ kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ cho đến quốc phòng, an ninh và đối ngoại..., đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của đất nước. Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đề nghị, cần nâng tầm dự báo sâu hơn về những biến động của tình hình thế giới, đặc biệt là những chuyển biến trong lĩnh vực GD&ĐT, những tác động của cuộc Cách mạng 4.0 với trí tuệ nhân tạo... từ đó đặt ra những vấn đề, mục tiêu mới sát với thực tiễn hiện nay.
Trước đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với Bộ GD&ĐT cùng các Bộ, ngành và một số địa phương về tình hình triển khai nhiệm vụ tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong 10 năm qua, những đổi mới, phát triển GD&ĐT đều liên quan đến các định hướng của Nghị quyết số 29; thể hiện tầm nhìn chiến lược trong chỉ đạo của Trung ương Đảng và chính quyền các cấp. Thể chế, chính sách về GD&ĐT đã tạo lập được hành lang pháp lý quan trọng. Chương trình Giáo dục phổ thông mới được ban hành năm 2018 bảo đảm yêu cầu thay đổi từ truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của học sinh, tăng cường định hướng nghề nghiệp; thực hiện xã hội hóa trong biên soạn và phát hành sách giáo khoa; chất lượng giáo dục phổ thông đại trà và mũi nhọn được thế giới ghi nhận... Kết quả đào tạo nguồn nhân lực các trình độ theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam được nâng lên. Giáo dục đại học có dịch chuyển tích cực về cơ cấu ngành nghề, thích ứng nhanh với nhu cầu của thị trường lao động.
Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai như chính sách, pháp luật về GD&ĐT chưa đồng bộ, chậm ban hành, thiếu sự thống nhất giữa quy định pháp luật về GD&ĐT với đầu tư, tài chính, ngân sách. Một số quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức đã tạo rào cản cho đổi mới GD&ĐT. Chất lượng giáo dục đại học đã được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao...
Đổi mới cần gắn với yêu cầu của xã hội
Cho rằng một số mục tiêu, yêu cầu đặt ra tại Nghị quyết 29 đến nay vẫn chưa đạt được, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội đã nêu một loạt dẫn chứng, đó là vấn đề “thực học, thực nghiệp”; sự phối hợp thực hiện giữa các Bộ, ngành; vấn đề bảo đảm bình đẳng giữa khu vực giáo dục công lập và ngoài công lập; những giải pháp đột phá đầu tư cho đội ngũ giáo viên... Theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, vấn đề ở đây là thiếu “người thi công”, khi thiết kế đã có nhưng thiếu người thi công thì cũng không thể xây được công trình.
Nhấn mạnh vai trò, vị trí hết sức quan trọng của Nghị quyết 29 trong cụ thể hoá quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn coi “giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Trước bối cảnh, yêu cầu trong nước và quốc tế đang thay đổi mạnh mẽ, nhanh chóng trong kỷ nguyên chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tri thức, thì hệ thống quan điểm, phương pháp thực hiện đổi mới GD&ĐT cần được đánh giá, nhìn nhận lại. Từ đó, chúng ta sẽ xác định những định hướng lớn tiếp tục kiên định, kiên trì triển khai; đồng thời bổ sung các vấn đề, đòi hỏi mới từ thực tiễn, lý luận, tạo đột phá hơn nữa đối với lĩnh vực GD&ĐT trong giai đoạn mới. Đổi mới GD&ĐT cần cách tiếp cận liên ngành, gắn với yêu cầu của xã hội, nền kinh tế cũng như nhu cầu hội nhập quốc tế hiện nay.
Phó Thủ tướng yêu cầu, công tác tổng kết, đánh giá không chỉ liệt kê đầy đủ những nội dung, nhiệm vụ đã triển khai mà cần tập trung làm rõ nguyên nhân tình trạng thiếu phối hợp, liên thông, đồng bộ giữa các Bộ, ngành và thực hiện nhiệm vụ đặt ra trong Nghị quyết, dẫn đến tình trạng “văn bản có đầy đủ nhưng không vận hành được”, “chủ trương đúng, nhưng hiểu và vận dụng chưa thông”. Cùng với đó, các tiêu chí đánh giá chất lượng, kết quả đạt được trong lĩnh vực GD&ĐT cần theo thang chuẩn của thế giới...