Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ: Các địa phương cần chấp hành nghiêm

Nhiều quy định đi lại ở một số địa phương có thay đổi sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128.
Nhiều quy định đi lại ở một số địa phương có thay đổi sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Các địa phương tạm thời không áp dụng Chỉ thị 15, 16, 19 của Thủ tướng. Trường hợp cần thiết áp dụng các biện pháp phòng chống dịch trên quy mô toàn tỉnh, cao hơn hướng dẫn thì phải báo cáo Bộ Y tế, Thủ tướng.

Ngày 11/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, nhằm đảm bảo sự thống nhất thực hiện, hướng dẫn của các bộ, ngành địa phương; đồng thời đưa đời sống sinh hoạt của người dân dần trở lại tình trạng bình thường mới; không để tình trạng cục bộ, cát cứ trong ban hành và thực hiện các giải pháp trên mức cần thiết gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội.

Khi áp dụng hướng dẫn này, các địa phương tạm thời không áp dụng Chỉ thị 15, 16, 19 của Thủ tướng. Trường hợp cần thiết áp dụng các biện pháp phòng chống dịch trên quy mô toàn tỉnh, cao hơn hướng dẫn thì phải báo cáo Bộ Y tế, Thủ tướng.

Các tỉnh, thành “rục rịch” họp bàn thay đổi

Nam Định, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Nguyên là những địa phương có quy định các biện pháp phòng, chống dịch được cho là khắt khe áp dụng với người ngoài tỉnh về địa phương. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128, các địa phương này đã họp bàn đưa ra những biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới.

Ông Trần Kha, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nam Định cho hay, ngày 12/10 tỉnh đã họp bàn về vấn đề này; nhưng cuối cùng tỉnh vẫn chốt thực hiện theo tinh thần chỉ đạo tại Thông báo số 187 ban hành ngày 5/10/2021 của UBND tỉnh.

Tại Quảng Ninh, đến đầu giờ chiều 13/10 địa phương này đã công bố chính thức quy định mới theo tinh thần Nghị quyết số 128 hướng dẫn. Ông Nguyễn Minh Tuấn, PGĐ Sở Y tế cho biết: Sau khi bàn bạc, tỉnh thống nhất ban hành Văn bản 7217/UBND-DL1 hướng dẫn tạm thời thực hiện một số giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. “Tinh thần của quy định mới đã tuân thủ theo Nghị quyết số 128”, ông Tuấn nói.

Tại Thái Nguyên, Sở Y tế tỉnh này cũng đang hoàn tất những khâu cuối để tham mưu cho UBND tỉnh về các biện pháp phòng, chống dịch trong giai đoạn mới. Ông Đỗ Trọng Vũ, PGĐ Sở Y tế xác nhận, một vài ngày nữa tỉnh sẽ có quy định chính thức về vấn đề này.

Theo ông Vũ, ngay từ những ngày đầu các địa phương bùng phát dịch, Thái Nguyên đã triển khai đồng loạt các giải pháp chặt chẽ, hiệu quả. Hiện Thái Nguyên không có những ổ dịch lớn nên tỉnh an tâm thực hiện mục tiêu vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Từ 26/9, Thái Nguyên cũng đã thực hiện quy định theo phân vùng dịch theo cấp độ xanh, vàng, cam, đỏ.

“Nhìn chung tỉnh luôn tạo điều kiện với người dân được vào tỉnh Thái Nguyên, tùy yếu tố dịch tễ mà áp dụng quy định khác nhau với từng thành phần. Tinh thần là UBND tỉnh sẽ thực hiện theo đúng Nghị quyết 128, sẽ quy định nới lỏng hơn, người dân được đi lại dễ dàng hơn. Với những người từ TP HCM về thì cũng chỉ cách ly tại nhà”, ông Vũ nói.

Một số địa phương vẫn bắt xét nghiệm PCR và cách ly y tế

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128, dù Bộ Y tế chưa xây dựng xong tiêu chí đánh giá cấp độ dịch, một số địa phương đã chính thức ban hành quy định mới.

Theo hướng dẫn mới của tại Quảng Ninh, Hải Phòng người đến từ các địa phương khác đều phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR trong vòng 72 giờ tính từ thời điểm lấy mẫu (ở Hải Phòng có thể sử dụng xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính).

Hải Phòng và Quảng Ninh cũng quy định người dân đến từ khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao (vùng vàng, cam) phải tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương. Khi lưu trú tại địa phương, phải thực hiện cách ly, theo dõi tại nhà và lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR.

Tại Nghị quyết 128/NQ-CP, Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch với lộ trình cụ thể, khả thi, bảo đảm kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Ngày 13/10/2021, Bộ Y tế cũng ban hành hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP.

Liên quan vấn đề xét nghiệm, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương không chỉ định xét nghiệm với việc đi lại của người dân; chỉ xét nghiệm với người đến từ địa bàn cấp 4 hoặc vùng phong tỏa; trường hợp nghi ngờ thì chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn cấp 3. Người đã tiêm đủ liều vắc xin và F0 khỏi bệnh chỉ xét nghiệm khi có yêu cầu điều tra dịch tễ.

Bộ Y tế đã hướng dẫn như trên, nên việc một số địa phương ban hành quy định bắt buộc tiếp tục xét nghiệm PCR nhiều lần cũng như phải cách ly y tế khiến người dân bối rối chưa biết việc đi lại giữa các địa phương đã thực sự “bình thường” theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ hay chưa?

Chị Vũ Thị Minh Nguyệt (quận Thanh Xuân, Hà Nội) có bố mất 2 tháng nay nhưng do quy định giãn cách của tỉnh này nên chị không thể về Quảng Ninh để chịu tang. Với chỉ đạo mới của Chính phủ, chị hy vọng việc về quê sẽ không phải mất thủ tục phiền hà, tốn kém.

Tuy nhiên, khi xem các quy định mới của tỉnh, chị vẫn cảm thấy bối rối không biết khi về địa phương, ngoài mất tiền cho mấy lần xét nghiệm thì chị thuộc diện “theo dõi sức khỏe” hay “cách ly y tế” theo quy định của Quảng Ninh khi chưa biết nơi sinh sống thuộc vùng xanh hay vàng, cam đỏ.

Theo Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), Chính phủ đã ban hành Nghị quyết, các địa phương cần phải căn cứ để chấp hành nghiêm chứ không thể chấp nhận tình trạng “trên bảo dưới không nghe”.

Theo ông Hòa, văn bản Chính phủ đã có hiệu lực thi hành, do đó địa phương có quy định trái với quy định của Chính phủ cần phải dẹp bỏ. Địa phương nào không thực hiện nghiêm, thực hiện không đúng Nghị quyết của Chính phủ thì cần kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu của từng địa phương. Nếu không làm nghiêm sẽ trở thành tiền lệ xấu.

“Các địa phương lo lắng trong phòng chống dịch là chính đáng, vì nếu làm không tốt, kiểm soát không chặt thì nguy cơ bùng phát các ổ dịch rất lớn. Tuy nhiên, Chính phủ đã quy định nếu các địa phương muốn thực hiện khác Nghị quyết của Chính phủ thì phải có báo cáo xin ý kiến chứ không thể để tình trạng Trung ương ban hành quy định thế này mà địa phương làm khác. Địa phương thực hiện không đúng cần kịp thời điều chỉnh ngay”, ĐB Hòa kiến nghị.

Đọc thêm

Nhiều điểm mới đáng chú ý trong dự thảo Luật Nhà giáo

Ảnh minh họa
(PLVN) - Tăng lương, tăng phụ cấp, giảm tuổi nghỉ hưu, chính sách bảo vệ, thu hút nhà giáo... là một số điểm mới đáng chú ý trong dự thảo Luật Nhà giáo sẽ trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá 15.

Phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư cao nhất là 5.200 đồng/xe.km

Phí sử dụng đường bộ cao tốc từ 900 đồng/xe.km đến 5.200 đồng/xe.km. (Ảnh: Hồng Thương)
(PLVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 130/2024/NĐ-CP quy định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường bộ cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác.Theo đó, có 5 nhóm đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, với mức thu thấp nhất 900 đồng/xe.km và cao nhất là 5.200 đồng/xe.km.

Quy định mới về giám sát trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông

Từ ngày 15/11/2024, bỏ quy định giám sát CSGT bằng thiết bị ghi âm, ghi hình. (Ảnh: Hồng Thương)
(PLVN) - Bộ Công an đã ban hành Thông tư 46/2024/TT-BCA sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 67/2019/TT-BCA quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trong đó sửa đổi, bổ sung quy định hình thức giám sát của Nhân dân trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.