[links()] Căn cứ Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) và Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, ngày 02/4/2010, chính phủ ban hành Nghị định số 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong GTĐB.
|
Các xe lưu hành trên cầu Vĩnh Tuy Hà Nội |
Tuy nhiên, mới hơn 1 năm thực hiện Nghị định 34 đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết, bất hợp lý, nên cơ quan chức năng soạn thảo Nghị định mới nhằm thay thế Nghị định 34. Trong đó, có bổ sung chế tài tịch thu xe đua trái phép (bất kể chủ sở hữu xe đứng tên tay đua, hay đứng tên người khác).
Dư luận nhân dân cho rằng việc tịch thu mô tô, ô tô đua trái phép chưa phải là thượng sách. Bởi lẽ, cơ quan chức năng có tích cực đuổi bắt, điều tra, kết luận được những tay đua xe trái phép hay không?
Và khi cơ quan điều tra kết luận tay đua xe trái phép gây thiệt hại cho sức khỏe, tài sản của người khác-lập tức giao Viện Kiểm sát và Toà án xử lý theo Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt cao nhất tới tù chung thân-đối với kẻ tổ chức đua xe trái phép; tới 20 năm tù-đối với tay đua xe trái phép (quy định tại khoản 4, điều 206, điều 207 Bộ luật Hình sự). Đã đến nước đấy thì bị tịch thu, hay không bị tịch thu xe mô tô, ô tô đối với các tay đua xe trái phép cũng đều vô nghĩa.
Vì thế, Bộ luật Hình sự không cần quy định tịch thu xe đua trái phép làm gì.
Người lái xe không có phanh (thắng) phải phạt nặng hơn người lái xe không đội mũ bảo hiểm, hoặc uống rượu chưa say
Nghị định 34 (Điều 20, Khoản 2) ban hành chế tài phạt tiền từ 100000 đồng đến 200000 đồng đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy không có phanh (thắng). Và (Điều 9, Khoản 3) ban hành chế tài phạt tiền người đi mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm cũng như thế (từ 100000 đồng đến 200000 đồng) là quá bất hợp lý. Vì người đi mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, khác hẳn với người điều khiển mô tô, xe gắn máy không có phanh (sẽ nguy hiểm vô cùng, rất dễ gây ra tai nạn giao thông), do đó không thể quy định cùng mức phạt như nhau.
Ngoài ra (Điều 19, Khoản 3) ban hành chế tài phạt tiền từ 800000 đồng đến 1000000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô không đủ hệ thống phanh (thắng). Trong khi đó (Điều 8, Khoản 5) lại quy định phạt tiền từ 2000000 đồng đến 3000000 đồng-đối với người điều khiển xe ô tô có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu (nhưng dưới mức 80 miligam/100 mililít máu), cũng chẳng hợp lý tý. Bởi trên thực tế, có những người phải tự lái xe ô tô đến dự đám cưới, chả lẽ uống rượu chúc mừng chú rể, cô dâu vượt quá 50 miligam/100 mililít máu, chưa đến mức say (vượt quá 80 miligam/100 mililít máu mới đến mức say), lại bị phạt tiền cao hơn nhiều so với người lái xe ô tô không đủ hệ thống phanh?
Nên chăng hoán vị (đổi) mức tiền phạt giữa người điều khiển ô tô không đủ hệ thống phanh với người lái ô tô uống rượu, nồng độ cồn quá 50 miligam/100 mililít máu (chưa đến mức say-80 miligam/100 mililít máu).
Bao giờ mới hết lò gạch di động trên đường phố?
Còn (Điều 19, Khoản 4) chỉ quy định xử phạt người điều khiển xe ô tô không có giấy chứng nhận, hoặc tem kiểm định kỹ thuật an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; Chứ không có quy định xử phạt người điều khiển xe ô tô không có bộ phận giảm khói và xả khí thải không đạt tiêu chuẩn giới hạn dẫn đến thực tế có xe ô tô đang xả khói đen ngòm đến đâu chăng nữa, Cảnh sát giao thông trông thấy, cũng chỉ biết “chào thua” khi người lái xe xuống xuất trình đầy đủ giấy chứng nhận, hoặc tem kiểm định kỹ thuật an toàn và bảo vệ môi trường vẫn còn hạn sử dụng.
Mặc dù tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện nay đã chế tạo được loại máy xách tay kiểm tra khí thải xe ô tô, để trang bị cho Cảnh sát giao thông tuần tra kiểm soát cơ động trên các đường phố.
Quy định nửa vời và sơ hở như điều 19, khoản 4 nêu trên, thì chưa biết đến bao giờ mới hết những xe ô tô kiêm những lò gạch di động, tiếp tục đầu độc bầu không khí các phố phường đông dân cư? Hy vọng sẽ phải sửa, bổ sung trong Nghị định mới.
Nguyễn Thành Lập