Theo ông Nguyễn Thịnh - nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Thuế, với những thay đổi về chất trong việc quản lý giao dịch có liên kết của Nghị định 20/2017/NĐ-CP ngày 24/2/2017 của Chính phủ, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng sẽ tạo ra một bước chuyển mới theo hướng công khai, minh bạch và phù hợp với thông lệ quốc tế trong quản lý giá chuyển nhượng (GCN)…
Văn bản đầu tiên đề cập đến việc xác định GCN là Thông tư 217/2005 và Thông tư 66/2010 của Bộ Tài chính. Với việc Chính phủ ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP) với các quy định mang tính chuẩn mực quốc tế, lần đầu tiên vấn đề xác định GCN được giới thiệu trong hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam.
Không chỉ phù hợp với thông lệ quốc tế, các quy định của Nghị định còn đảm bảo đúng nguyên tắc “bản chất quyết định hình thức, nguyên tắc “ngưỡng an toàn”. Cụ thể, Điều 12 đã quy định các trường hợp cụ thể, trong đó người nộp thuế được miễn kê khai, hoặc miễn lập hồ sơ xác định GCN. Đây là một quy định rất có ý nghĩa thực tiễn trên phương diện cải cách hành chính.
Cùng với việc áp dụng nguyên tắc ngưỡng an toàn để giảm bớt nghĩa vụ kê khai và lập hồ sơ xác định GCN, Nghị định cũng hạn chế phạm vi các giao dịch được coi là giao dịch liên kết thuộc phạm vi điều chỉnh thông qua việc nâng tỷ lệ kiểm soát giữa các bên và tỷ lệ vốn vay trong vốn chủ sở hữu (từ 20% lên 25%).
Điều này sẽ khiến cho nhiều DN trước đây bị coi là tham gia giao dịch liên kết (do đó phải kê khai và lập hồ sơ xác định GCN) thì nay không thuộc phạm vi áp dụng. Đặc biệt, việc loại bỏ các trường hợp bị coi là liên kết liên quan đến việc sử dụng tài sản vô hình, cung cấp vật tư, tiêu thụ sản phẩm trên một ngưỡng nhất định cũng như thỏa thuận hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng được các DN nhiệt liệt hoan nghênh. Vì nó phản ánh đúng thực tiễn kinh doanh với sự hợp tác ngày càng phong phú giữa các DN.
Việc quy định cụ thể bằng văn bản của các bộ, ngành liên quan và của UBND tỉnh/TP trong quản lý xác định GCN không chỉ thể hiện tầm quan trọng của cuộc đấu tranh chống gian lận thuế trong xác định GCN, mà còn đảm bảo một sự công bằng và minh bạch hơn trong lĩnh vực này.
Mặc dù, có những thời điểm “việc lạm dụng xác định GCN” để trốn và tránh thuế đã trở thành vấn đề nóng trên cả nghị trường, các phiên họp Chính phủ và phương tiện thông tin đại chúng, nhưng trước đây, khi việc quản lý xác định GCN chỉ được thực hiện ở mức thông tư do Bộ Tài chính ban hành, sự tham gia của các bộ, ngành liên quan và chính quyền các cấp hoàn toàn trên cơ sở tự nhận thức và tự giác, hoặc nhiều nhất cũng chỉ là các quy định pháp lý chung của Luật Quản lý thuế về trách nhiệm của các bên thứ ba đối với công tác quản lý thuế nói chung.
Nghị định 20 cũng quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh/TP trong công tác quản lý thuế đối với các DN tham gia giao dịch liên kết đã tạo cơ sở pháp lý khiến cho việc quản lý GCN không chỉ là trách nhiệm, của Bộ Tài chính hay Tổng cục Thuế. Điều này sẽ khiến cho công tác quản lý GCN có hiệu quả hơn, đồng thời củng cố thêm lòng tin cho cộng đồng DN.
“Chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng sẽ tạo ra một bước chuyển mới theo hướng công khai, minh bạch và phù hợp với thông lệ quốc tế trong quản lý GCN…”, ông Nguyễn Thịnh nhận định.