Ngày 24/6, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 68/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp (DN) có giao dịch liên kết.
Tại Điều 1 Nghị định 68/2020/NĐ-CP quy định tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN (TNDN) đối với DN có giao dịch liên kết sẽ có những thay đổi so với quy định tại Nghị định 20/2017/NĐ-CP như sau:
- Tổng chi phí lãi vay được hiểu là chi phí lãi vay sau khi đã trừ đi lãi tiền gửi và lãi cho vay.
- Chi phí lãi vay trong kỳ được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay (sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay) phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ. Con số này theo Nghị định 20/2017/NĐ-CP là 20%.
- Phần chi phí lãi vay không được trừ (vượt mức 30% ở trên) sẽ được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo khi xác định tổng chi phí lãi vay được trừ. Thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 5 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ.
Tại Điều 2 Nghị định 68/2020/NĐ-CP quy định về tổ chức thực hiện và hiệu lực thi hành. Theo đó, Nghị định có hiệu lực từ ngày ký và áp dụng từ kỳ tính thuế TNDN năm 2019. Đối với các trường hợp đã áp dụng quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP cho kỳ tính thuế TNDN năm 2017, 2018 sẽ được xác định lại theo Nghị định 68/2020/NĐ-CP, cụ thể:
- Người nộp thuế được khai bổ sung hồ sơ quyết toán thuế TNDN năm 2017, 2018 và nộp cho cơ quan quản lý thuế trực tiếp trước ngày 01/01/2021. Trường hợp sau khi khai bổ sung, số thuế TNDN phải nộp giảm đi thì sẽ được giảm số tiền chậm nộp tương ứng (nếu có).
- Trường hợp người nộp thuế có số tiền thuế TNDN, tiền chậm nộp đã nộp ngân sách nhà nước lớn hơn số tiền thuế TNDN, tiền chậm nộp được xác định lại thì phần chênh lệch được bù trừ vào số thuế TNDN phải nộp trong năm 2020. Nếu chưa bù trừ hết thì được bù trừ vào số thuế TNDN phải nộp trong các năm tiếp theo nhưng tối đa không quá 5 năm kể từ năm 2020. Kết thúc thời hạn trên, không xử lý số thuế còn lại chưa bù trừ hết.
Nghị định cũng quy định trình tự, cách thức xác định lại số thuế TNDN phải nộp đối với các trường hợp cơ quan thuế hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã thực hiện thanh tra, kiểm tra và đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, quyết định xử lý theo quy định của Luật Quản lý thuế; Quy định biểu mẫu Thông tin về quan hệ liên kết và giao dịch liên kết thay thế cho biểu mẫu đã quy định tại Nghị định số 20/2017/NĐ-CP.
Theo Bộ Tài chính, Nghị định này được ban hành đã kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN, nhất là những DN có vốn “mỏng”, đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế.
Bộ Tài chính cũng đã có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương đề nghị chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc lĩnh vực, địa bàn phụ trách phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế triển khai kịp thời Nghị định 68/2020/NĐ-CP và phản hồi vướng mắc (nếu có) về Bộ Tài chính để được giải quyết.
Thu và xử lý về thuế hơn 11.000 tỷ đồng
Nghị định 20/2017/NĐ-CP là văn bản pháp lý đầu tiên ở hình thức Nghị định của Chính phủ về quản lý thuế đối với giao dịch liên kết. Tổng cục Thuế cho biết, qua 3 năm thực hiện Nghị định đã mang lại những kết quả nhất định trong công tác đấu tranh chống chuyển giá.
Trong năm 2017 và 2018, mỗi năm đã có hơn 11.000 DN kê khai quan hệ liên kết, trong đó tỷ trọng các DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 64%, các DN trong nước chiếm khoảng 36%.
Trong số các DN kê khai quan hệ liên kết, có 6.604 đơn vị phát sinh giao dịch liên kết trong năm 2017 và 7.785 đơn vị có giao dịch liên kết năm 2018, với tốc độ tăng trưởng 18%, trong đó DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 85%, DN trong nước chiếm khoảng 15%.
Về kết quả thu thuế, qua thanh tra, kiểm tra các đơn vị có giao dịch liên kết từ năm 2017 đến nay, số thu đã xử lý về thuế trên 11.000 tỷ đồng, trong đó truy thu, truy hoàn và phạt là trên 2.000 tỷ đồng; giảm khấu trừ bình quân 75 tỷ đồng/năm; giảm lỗ gần 9.000 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế bình quân trên 7.700 tỷ đồng mỗi năm.
Việc thực hiện quy định về khống chế chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN với mục tiêu quan trọng hơn là chốt chặn, ngăn ngừa triệt để lợi nhuận thu được sau đấu tranh chống chuyển giá bị các DN vô hiệu hóa thông qua công cụ lãi vay đã phát huy được hiệu quả.