Có nhân chứng ngoại phạm nhưng vẫn bị bắt giam
Người chúng tôi gặp đầu tiên là anh Đinh Xuân Thọ, sinh năm 1963. Anh Thọ cho biết, anh đã từng phục vụ quân ngũ, rồi đi làm nhà nước, đến tận năm 1976 anh mới mua chiếc công nông để làm ăn. Cho tới thời điểm xảy ra vụ nổ, anh Thọ đã có 10 năm tuổi Đảng. Thời điểm mới xảy ra vụ nổ, anh Thọ bị cơ quan điều tra gọi lên 3 ngày, mặc dù lên làm việc xong rồi về cũng khiến anh bực tức vì như vậy các điều tra viên không tin tưởng đảng viên.
Anh Thọ kể: “Tôi nói với các anh công an, từ xưa đến giờ tôi không bao giờ làm điều gì sai trái. Còn vụ việc này tôi không biết đầu đuôi ra sao, chỉ biết sự thật như thế nào thì khai như thế. Các anh cứ bắt tôi lên khai báo mà không tin tưởng thì yêu cầu tôi khai làm gì. Sau đó, tức quá tôi mới bảo các anh công an bắt tôi thì các anh bắt luôn chứ hôm nay tôi dứt khoát không về. Nếu các anh còn nghi ngờ hay các anh bảo tôi có vấn đề gì thì các anh bắt luôn hôm nay, tôi không về nữa”. Không ngờ lời nói của anh Thọ lại khiến cơ quan điều tra không triệu tập anh Thọ lên nữa.
Anh Thọ khẳng định, khoảng 16h30 anh đánh xe đi chở phân trâu cho anh Hùng, ngoài anh Thọ, anh Hùng còn thuê thêm anh Nhơn và anh Thậm xúc phân lên xe. Sau khi xúc phân xong, anh Thọ và anh Hùng lên xe đi bán phân. Đến khu vực Đồng Chụa thì anh Hùng bảo anh Thọ đỗ xe để anh Hùng đi gọi người mua phân. 15 phút sau anh Hùng trở ra cùng thông tin về vụ nổ đã xảy ra. “Bán phân xong là khoảng 21h, ai về nhà nấy. Tôi khẳng định vào khoảng từ 16h30-21h ngày 24/2/1995 tôi luôn cùng đi và làm việc với anh Hùng” – anh Thọ nhấn mạnh.
Anh Nguyễn Thành Nươm (tên thường gọi là Nhơn), sinh năm 1956 cũng kể lại, vào khoảng 16h30 ngày 24/2/1995 anh Hùng có mua phân trâu nhà anh. Anh Hùng cùng anh Thậm gánh phân trâu ra đến điểm xe đỗ. Khi anh Nhơn ra đó thì đã thấy anh Thọ đang đợi ở đấy. Anh Nhơn kể chi tiết: “Ban đầu tôi không xúc phân nhưng vì sợ không kịp xúc hết trước khi trời tối nên anh Hùng nhờ tôi xúc, đến 19h mới xúc phân xong. Tôi khẳng định anh Hùng không bỏ đi đâu từ 16h30-19h”.
Theo Luật sư Phan Thị Lam Hồng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội, căn cứ vào những lời khai của anh Thọ, anh Nhơn, anh Thậm, có thể khẳng định họ là những nhân chứng quan trọng trong vụ án, nhưng không được Điều tra viên tiến hành xem xét, điều tra, triệu tập để làm rõ các tình tiết của vụ án nên rõ ràng không đủ căn cứ để buộc tội.
Bởi theo quy định tại Điều 11 Bộ luật TTHS 1988 về xác định sự thật của vụ án thì “Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát và Toà án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội… Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc các cơ quan tiến hành tố tụng”.
Như vậy, có thể thấy, ở vụ án này, cơ quan điều tra đã làm việc vô cùng hời hợt, bỏ qua hầu hết những tình tiết quan trọng vụ án để cho ra bản kết luận điều tra một cách bừa bãi. “Liệu có phải do áp lực phá án, liệu có phải đây là một vụ án quá lớn nên các điều tra viên đã bị sức ép, buộc phải phá án nhanh nên mới xảy ra làm việc cẩu thả, có thể gây oan ức cho một con người?” - Luật sư Hồng đặt câu hỏi.
“Tôi cứ nghĩ bạn tôi làm cho đến khi Tân thú tội”
Anh Hoàng Văn Diếng (SN 1966, trú tại xã Thống Nhất) kể lại: “Ban đầu Tân còn chối tội vì có rất đông bạn bè, anh em ở đấy. Đến khi Hùng vào nhà lấy tờ đơn mà Tân viết ra Tân mới chịu nhận lỗi. Chính anh Thọ cũng khẳng định hôm ấy Hùng đi với Thọ từ 16h30-21h nên không thể hiểu nổi tại sao Hùng lại là hung thủ trong vụ nổ, Hùng ra đó bằng cách nào. Ngay sau khi nhận tội Tân còn khẳng định sẽ đi làm lấy tiền lo trả và bồi thường cho Hùng.
Anh Diếng không giữ được bình tĩnh, quay sang anh Hùng nhìn rồi nói: “Quả thật, nếu không có ngày Tân đứng ra xin lỗi như thế này tôi vẫn nghĩ là thằng bạn mình có tội. Cho nên là bạn Hùng, tôi thực sự bức xúc. Nếu bạn nghĩ đến cảnh vợ mình vừa mới sinh 2 đứa con được hơn tháng mà mình bị bắt đi bởi một nỗi oan tày đình thì mới hiểu tôi bức xúc thay bạn mình như thế nào. Nghe những lời Tân nói, tôi chỉ ao ước có phép màu gì đó làm được cho ông bạn mình trong sạch. Đến giờ tôi vẫn nhớ cảnh ấy”…
Anh Diếng còn nhớ cụ thể, ngày nhận tội trước mặt Hùng và mọi người, Nguyễn Văn Tân còn hứa là bằng mọi cách sẽ đền bù lại cho Hùng những năm tháng tù oan “nhưng không được, ai lại làm thế, bởi vì lấy cái gì mà đền bù, danh dự con người nó lớn chứ đâu phải tiền bạc này khác. Mà Tân thì có cái gì đâu mà đền bù”- anh Diếng vẫn không giữ được bức xúc khi kể lại câu chuyện với chúng tôi.
Anh Diếng còn nhớ, tại phiên tòa anh Hùng cũng không nói được nhiều. “Tôi cũng từng bức xúc, nghĩ rằng thằng bạn mình làm thì khai nhận cho trọn vẹn, cứ ậm à ậm ừ. Khi chia tay bạn ra xe thùng, tôi mới nói được với bạn một câu “khổ quá ông ạ”. Chỉ nói một câu thế thôi “khổ quá ông ạ” mà hình ảnh ấy ám ảnh tôi tới tận bây giờ” - anh Diếng xúc động.
Tân nói hứa đền bù và ngay khi anh Hùng xây quán bán hàng đã mang tiền đến đưa cho anh Hùng để mua gạch. Ông Nguyễn Văn Hồng, người chứng kiến Tân đưa tiền cho Hùng nhớ lại: “Tôi nhớ là 2 triệu, tôi ở ngoài sân, nó (tức Tân - PV) không dám vào nhà. Tôi và Hùng có mời nó vào uống nước nhưng nó không dám vào, chỉ đứng ngoài để đưa tiền cho Hùng. Tôi nghe láng máng thấy nói: “Tiền đền bù cho mày này, cầm lấy, tao chẳng có nhiều đâu”. Lúc ấy Hùng mới khùng lên bảo, có 2 triệu bạc ăn thua gì sơ với gần 20 năm vì mày mà tao ở tù oan”...
Quá trình gặp các nhân chứng để xác minh đơn kêu oan của anh Hùng, chúng tôi đã thu thập được nhiều chứng cứ quan trọng chứng tỏ anh Hùng có chứng cứ ngoại phạm và nhiều khả năng anh Hùng đã bị tù oan. Rất mong các cơ quan tố tụng xem xét lại toàn bộ vụ án và kháng nghị theo trình tự tái thẩm để minh oan cho anh Hùng, dẫu muộn…