Nghệ sĩ Minh Nhí “suýt” trở thành tài xế xe tải

NS Minh Nhí trong vai ông tư Rơm (vở "Cha vợ mê bóng đá")
NS Minh Nhí trong vai ông tư Rơm (vở "Cha vợ mê bóng đá")
Minh Nhí kể lại thuở nhỏ, ba má từng bắt anh theo nghề tài xế nhưng cơ duyên thế nào anh lại trở thành diễn viên hài. Nghệ sĩ này từng nhận được hai Giải Mai Vàng năm 1998 và 1999.
Minh Nhí từng đoạt hai Giải Mai Vàng năm 1998 và 1999 nhờ hai vai diễn ông Tư Rơm, vở Cha vợ mê bóng đá – Nhà hát Hòa Bình và vai Chúa Chổm trong vở Vua trả nợ – Sân khấu kịch Sài Gòn.
“Hai vai diễn này mang đến cho tôi nhiều kỷ niệm, với giải thưởng danh giá do bạn đọc Báo Người Lao Động bình chọn. Tôi vui khi được bạn bè chúc mừng, buồn vì lãnh giải không có ba mẹ chứng kiến, mà giải thưởng này còn cao quý ở chỗ là do bạn đọc, khán giả trao tặng chứ không phải hội đồng nào cả” – Minh Nhí xúc động nhắc lại.
Nghệ sĩ này kể lại từ năm lớp 7, anh đã có khiếu văn nghệ, được bầu làm liên đội trưởng phụ trách văn thể mỹ của xã Tân Quy Tây (thị xã Sa Đéc - Đồng Tháp). Ngày đó, giải thưởng văn nghệ từ xã đến tỉnh, anh là người chiếm nhiều nhất.
Minh Nhí say mê vọng cổ, biết ca theo nhịp và thuộc lòng khá nhiều vở của thần tượng cố NSƯT Thanh Nga. Cha mẹ anh biết con trai mình say mê cái nghề bấp bênh nên ngăn cấm.
“Trong nhà, ngoài người anh thứ năm là cầu thủ Trương Văn Sáng từng khoác áo tiền vệ cho đội Giao thông vận tải thuộc Sở Công Nghiệp TP HCM, hai bà chị Sáu- Bảy của tôi đều thi đậu ngành Y, duy nhất có tôi bị má la: “Ráng học nghề tài xế của ba”. Tôi không hiểu cái nghề của ba đi tứ xứ giang hồ có gì vui mà má bắt tôi theo. Chiếc xe tải chở hàng của ba tôi hồi đó đã nuôi 8 anh em trong nhà, nhưng nếu tôi làm tài xế thì sao nhỉ? Chắc là khổ lắm!” – Minh Nhí chia sẻ.
Và để không phải “bị” làm tài xế, Minh Nhí bắt chước hai chị khăn gói từ Sa Đéc lên TP HCM thi vào ngành Y nhưng không đậu. Ngày xem kết quả biết rớt, anh buồn lang thang khắp phố, đi ngang đường Cống Quỳnh và thấy nhiều người xem tấm biển ghi ngày thi của một khóa đạo diễn sân khấu. 
Người đầu tiên Minh Nhí gặp ở ngôi Trường Nghệ thuật Sân khấu II là Nhà giáo ưu tú – đạo diễn Nguyễn Văn Phúc. Nghe nguyện vọng được theo nghiệp sân khấu, thầy Nguyễn Văn Phúc nhìn chầm chầm Minh Nhí và khuyên: “Tướng cậu không đủ tiêu chuẩn làm diễn viên đâu...có thi thì vào lớp đạo diễn”.
NS Minh Béo, Minh Nhí, NSƯT Út Bạch Lan và NSND Ngọc Giàu
NS Minh Béo, Minh Nhí, NSƯT Út Bạch Lan và NSND Ngọc Giàu 
“Tôi đã liều đi thi và ngày đến xem kết quả rất hạnh phúc vì thấy có tên mình trong khóa 7 lớp đạo diễn cùng với: Trần Cảnh Đôn, Kim Loan, Minh Phượng, Phùng Nguyên, Phương Linh, Xuân Phước, Minh Hải, Phú Hải... Hóa ra không được nhất y, tôi chọn “nhì” nghệ thuật. Ngày tôi báo tin thi đậu trường Nghệ thuật Sân khấu 2 – nay là Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM, ba má tôi cười. Sau đó, ba tôi tần ngần nhìn má. 
Từ ngày đấy, ba má ủng hộ sự cố gắng của tôi để thoát khỏi cái nghề tài xế. Hai mùa Tết đoạt Giải Mai Vàng, tôi đã mong có ba má tôi chứng kiến, nhưng ba tôi đã ra đi, còn má bệnh tai biến nằm một chỗ, ngày lên sàn diễn nhận giải, tôi rất xúc động nhớ đến đấng sinh thành” – Minh Nhí tâm sự.
Nhận định về Mai Vàng 20 năm qua, Minh Nhí nói khoảng cách giữa thế hệ trước với lực lượng diễn viên trẻ đã không còn xa. Một số bạn chịu khó đầu tư cho vai diễn, bằng chứng danh sách đề cử năm nay có nhiều gương mặt mới, ở lĩnh vực hài và cả chính kịch, nhiều vai diễn đã tạo được ấn tượng đối với bạn đọc và khán giả.
NS Minh Nhí trong vở hài kịch châm biếm nạn bói toán, mê tín dị đoan
NS Minh Nhí trong vở hài kịch châm biếm nạn bói toán, mê tín dị đoan 
Nghệ sĩ này cho biết anh tự thân lập nghiệp, lúc có chút tên tuổi muốn rước cha mẹ lên thành phố an dưỡng tuổi già. Nhưng tất cả đều không thành hiện thực.
“Lúc mới mua được ngôi nhà nhỏ, ba tôi qua đời. Lúc xây được cái nhà khá khang trang, má tôi nằm liệt giường vì tai biến mạch máu não. Ngày ba tôi mất, cả đám con giấu má. Hết dối ba đi Nha Trang, rồi lại gạt ba ra Hà Nội. Mỗi khi bước ra khỏi cái giường tre nơi má nằm, tôi bụm miệng khóc vì mình dối má. 10 năm má tôi nằm một chỗ, hai bà chị Sáu- Bảy thay nhau chăm sóc quên cả chuyện...lấy chồng. 
Bây giờ má tôi đã trăm tuổi, hai chị tóc điểm sương, có chị đi tu. Giờ tôi cũng bay đi, bay về giữa Việt Nam và Mỹ để thăm bà xã. Vẫn thương các chị tôi giờ xem việc chăm sóc các cháu – con của em út tôi là niềm vui. Tôi cảm ơn hai mùa tết mà tôi đã đoạt Giải Mai Vàng, hai kỷ niệm khó quên trong đời làm nghệ sĩ”.
NS Minh Nhí và NSƯT Ngọc Đáng trong vở "Bao Công vô lò gạch" - (NS Minh Nhí vai Quách Hải Thọ)
NS Minh Nhí và NSƯT Ngọc Đáng trong vở "Bao Công vô lò gạch" - (NS Minh Nhí vai Quách Hải Thọ) 

Đọc thêm

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”
(PLVN) - “Lật mặt 7: Một điều ước” của Lý Hải dù chưa ra rạp song đã nhận sự quan tâm khi quy tụ dàn diễn viên bậc nhất trong cả series, lên đến 50 người. Trong phần phim mới, có nhiều “bóng hồng” xinh đẹp, tài năng cùng góp mặt.

Nam tài tử đời đầu của màn ảnh Việt

Ông ghi dấu bằng vẻ ngoài đẹp trai, tài năng diễn xuất. (Nguồn: Cô Hai Kim Cương)
(PLVN) - Trước những năm 1975, La Thoại Tân cùng với Trần Quang, Lê Quỳnh, Hùng Cường, được mệnh danh là những nam diễn viên điện ảnh tài năng, phong độ nhất của mảnh đất Sài Gòn phồn hoa. Mười sáu năm sau khi La Thoại Tân mất (13/3/2008), người hâm mộ vẫn chưa bao giờ quên chàng nghệ sĩ lịch lãm, với những vai diễn để đời.

Gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu

Sinh viên hào hứng với chương trình Sân khấu học đường. (Nguồn: NVH Sinh viên TP Hồ Chí Minh)
(PLVN) - Nhiều năm qua, không ít nhóm nghệ sĩ tâm huyết đã cố gắng đưa các vở diễn có giá trị nhân văn đến học đường biểu diễn cho các em học sinh. Những nỗ lực này nhằm giúp lan tỏa tinh thần yêu sân khấu đến với thế hệ trẻ, gìn giữ một bộ môn nghệ thuật di sản, đồng thời gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu.

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà"

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà" (ảnh trong phim).
(PLVN) - Trong “Người một nhà”, nghệ sĩ Vân Dung vào vai người mẹ vừa lạ vừa dị. Người mẹ này đã bỏ hai anh em Tuệ để chạy theo cuộc sống riêng và đó cũng là một phần lý do tạo nên tính cách, hoàn cảnh và những xung đột trong cuộc sống của họ.