Trong chương trình hài Chàng hề xứ Quảng, MC Tự Long đã có một phát ngôn mang tính so sánh: “Thực sự bất ngờ khi trời mưa mà khán giả vẫn đến rất đông để ủng hộ các nghệ sĩ. Trong khi ở ngoài Bắc, mọi người xem hài ở Nhà hát, có máy lạnh nhưng khán giả chỉ có 3 hàng”.
Từ sau phát ngôn ngẫu hứng này, hàng loạt cuộc tranh luận đã diễn ra, từ khán giả cho đến nghệ sĩ hài hai miền. Có người, bình tĩnh thì đồng tình hay phản bác một cách nhẹ nhàng. Có người thì phân tích cái hay, cái duyên của mỗi miền một cách vui vẻ. Nhưng cũng có những cái đầu “nóng” lao vào cuộc tranh cãi bằng những lời miệt thị. Khán giả miền Bắc chê hài Nam nhảm, nhạt, khán giả miền Nam thì chê hài Bắc khó hiểu, thiếu duyên. Về phía các nghệ sĩ cũng thế, ngoài đa phần nghệ sĩ hài đưa ý kiến một cách tiết chế, thì một phần nhỏ nghệ sĩ khá “nóng giận”, thậm chí có nghệ sĩ hài chê bai hài miền Nam nhạt nhẽo, cười xong quên ngay, nghĩ ngắn nên chưa chắc thích hợp với khán giả miền Bắc. Cuộc tranh luận đã kéo theo sự tham gia của hàng loạt nghệ sĩ hài như Đức Vượng, Quang Tèo, Trà My, Đức Hải…
Mới đây nhất, trước những luồng dư luận trái chiều, đặc biệt là những lời chê bai hài miền Nam, nghệ sĩ Đức Hải đã có những phân tích hết sức thẳng thắn và hợp lý khi so sánh sự tương quan trong thưởng lãm văn hóa giữa hai vùng miền, chênh lệch dân số và cả thói quen thưởng thức… để tìm ra câu trả lời hài hòa cho cuộc tranh luận nói trên.
Còn nhớ, cách đây vài năm, nghệ sĩ hài Công Lý cũng đã làm dấy lên một cuộc tranh cãi kéo dài và gay gắt khi anh lên tiếng chê “không thích hài miền Nam, không thích kiểu diễn của đồng nghiệp miền Nam” và “hài Nam cười một cái là xong”. Phát ngôn này cũng đã kéo theo cuộc khẩu chiến của hàng loạt nghệ sĩ hài cả Nam lẫn Bắc, làm sứt mẻ không ít tình cảm giữa các đồng nghiệp trong nghề với nhau.
Trong lĩnh vực ca nhạc, những cuộc so sánh gu Bắc – Nam cũng khá thường diễn ra. Đó đây, trong vài cuộc chuyện trò, vẫn có nghệ sĩ Bắc chê âm nhạc miền Nam là thị trường, có nghệ sĩ TP.HCM chê âm nhạc Hà Nội “theo không kịp”. Mới đây, cũng từ ý kiến của nhạc sĩ Lê Minh Sơn, cho rằng bolero, một dòng nhạc được người miền Nam ưa chuộng là “sến, khiến nền âm nhạc bị tụt hậu. Phát biểu này khiến anh bị ném đá không ít bởi khán giả và nhiều đồng nghiệp của anh ở cả TP.HCM lẫn Hà Nội.
Do đặc tính văn hóa, mỗi vùng miền ở đất nước có cái gu thưởng thức và cách thức thưởng thức nghệ thuật riêng, không thể xem nơi nào là chuẩn nhất. Và cũng thực vô ích khi đi vào so sánh xem miền nào hay hơn, cao cấp hơn, điều này chỉ làm dấy lên những tranh cãi vô bổ, không đáng có và mất nhiều hơn được. Có lẽ, các nghệ sĩ, trong mỗi phát ngôn của mình nên có sự thận trọng hơn nữa, đừng để lời nói phút chốc kéo theo đấu khẩu kéo dài, gây mâu thuẫn và chia rẽ giữa khán giả và trong nội bộ những người làm nghề.