Niềm vui vùng biên
Để tạo thuận lợi cho người dân, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại cách trở, Đoàn công tác do ông Nguyễn Công Hoan, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nghệ An dẫn đầu đã trực tiếp vào tận các cụm xã, làm thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam cho người Lào tại xã Tri Lễ, Thông Thụ, Châu Thôn (huyện Quế Phong) và hai xã Nhôn Mai, Mai Sơn (huyện Tương Dương).
Tại các xã trên, Đoàn công tác đã trực tiếp làm thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam cho 70 người Lào kết hôn không giá thú. Cụ thể: ở các xã của huyện Tương Dương có 35 trường hợp, riêng xã Tri Lễ của huyện Quế Phong có 28 người, còn 2 xã khác 7 trường hợp.
Các thủ tục diễn ra đơn giản, nhanh gọn, người dân chỉ cần mang theo sổ hộ khẩu, khai thông tin cá nhân để cán bộ tư pháp ghi theo mẫu và chụp ảnh hoàn thiện hồ sơ.
Nhờ công tác tuyên truyền trước và sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành liên quan, phần lớn người Lào kết hôn không giá thú đang sinh sống trên địa bàn các xã đã nắm bắt được chủ trương, tập trung sớm, đầy đủ để làm các thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam.
Đa số các trường hợp được làm thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam lần này là phụ nữ Lào, lấy chồng Việt Nam. Tuy đã có nhiều năm sinh sống tại Việt Nam nhưng các trường hợp này vẫn chưa được nhập quốc tịch. Do vậy, việc thực hiện đơn giản hóa thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam cho người Lào lần này tại 2 huyện miền núi Nghệ An đã đem lại niềm vui cho mọi người.
Đoàn công tác trực tiếp đến các xã vùng biên làm thủ tục nhập hộ tịch cho các trường hợp được phê duyệt. |
Tay nắm chặt tay người vợ Lào Lo Thị Khun (SN 1972), ông Lương Văn Xuyên (SN 1969, trú bản Lằn, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, Nghệ An) không giấu được niềm hạnh phúc khi vợ được nhập quốc tịch Việt Nam. Anh Xuyên kể mình là giáo viên của trường Tiểu học Tri Lễ 4. Năm 1995, trong những lần sang Lào trao đổi buôn bán, anh đã gặp người con gái Lào ở tỉnh Hủa Phăn. Qua những lần gặp gỡ, nói chuyện, cả hai quyết định về chung một nhà.
Dù các phong tục ăn hỏi giữa hai nước đã được đôi bên làm xong, nhưng cả hai vẫn thể chưa có giấy đăng ký kết hôn vì những vướng mắc về vấn đề thủ tục. Việc đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của gia đình, nhất là các giấy tờ học tập của con. Đến nay đã qua 24 năm, chị Khun mới chính thức làm các thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam. Chị cười: “Tôi vui lắm vì sắp chính thức được làm dâu Việt Nam. Tối nay gia đình tôi sẽ làm thịt gà ăn mừng niềm vui này”.
Trong đoàn người đến làm thủ tục nhập hộ tịch tại xã Tri Lễ, có lẽ trường hợp của cô dâu Lào Vừ Pan Xi (SN 1996, trú huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn, Lào) đặc biệt hơn cả khi chị được ông nội chồng đích thân chở đến ủy ban xã làm thủ tục. Đang mang thai đứa con thứ 2 ở những tháng cuối, chị Xi vui mừng nói: “Hy vọng khi con tôi sinh ra có thể làm giấy khai sinh và các thủ tục khác vì tôi đã chính thức trở thành công dân Việt Nam”.
Sau nhiều năm kết hôn không giá thú, đôi vợ chồng này đã chính thức chung quốc tịch Việt Nam. |
Những trường hợp nào được đơn giản hóa thủ tục nhập tịch?
Là người có kinh nghiệm nhiều năm trong quá trình thực hiện thỏa thuận giữa hai nước, Thiếu tá Trần Quốc Chung, Ban đối ngoại Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An cho hay, thực tế việc làm các thủ tục nhập quốc tịch này có nhiều khó khăn:
Thứ nhất là địa hình đi lại khó khăn. Thứ hai là do người dân chưa nhận thức đúng về chủ trương này nên hiểu nhầm là cơ quan chức năng đến điều tra để đẩy đuổi nên thường trốn tránh. Sau khi được giải thích thì có người hiểu đã hợp tác với đoàn, cũng có trường hợp không hiểu thì né tránh, không gặp. Bằng nhiều biện pháp khác nhau như nhờ sự hỗ trợ của già làng trưởng bản, người có uy tín đến giải thích cho bà con hiểu, từ đó họ mới hợp tác và khai báo để đoàn có số liệu đầy đủ chính xác nhất để thực hiện quyền công dân của mình.
Ông Nguyễn Công Hoan, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nghệ An cho hay, mục đích chính của Đoàn công tác lần này là làm thủ tục đơn giản hóa hộ tịch các trường hợp đã được Trưởng Đoàn đại biểu biên giới Việt Nam phê duyệt. Những người này sau khi điều tra song phương, có sự thống nhất của Việt Nam và Lào, được vào trong sự thỏa thuận của hai nước về di cư tự do và kết hôn không giá thú ở vùng biên. Các trường hợp này sẽ được làm thủ tục nhập quốc tịch đơn giản hơn thủ tục bình thường.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nghệ An, đây là chương trình do sự kết hợp của các bên gồm: Bộ đội biên phòng tỉnh, Sở Tư pháp, Công an tỉnh, Ban Dân tộc, Sở Nội vụ. Quá trình này đã triển khai từ năm 2016 đến nay thông qua điều tra, lập danh sách và thống nhất danh sách song phương giữa Lào và Việt Nam để rà soát lại những trường hợp được phép ở lại, làm thủ tục nhập quốc tịch, chứ không phải ai cũng được.
Theo yêu cầu của Bộ ngoại giao Việt Nam, tiến độ triển khai các công việc liên quan đến số người Lào di cư và kết hôn không giá thú được phép cư trú tại khu vực biên giới thuộc địa bàn tỉnh Nghệ An sẽ hoàn tất vào tháng 11/2019.