Trạm BTS Tà Tổng |
Trạm phát sóng cô đơn
Trên bản đồ thông tin liên lạc, xã Tà Tổng (huyện Mường Tè) có một dấu chấm, đánh dấu nơi đặt trạm viba Tà Tổng, trạm vi ba “huyết mạch” trong thông tin liên lạc giữa huyện Mường Tè và các địa phương khác.
Những ai đã từng tới Lai Châu, đi Mường Tè, nghe đến Tà Tổng, mới biết để giữ “dấu chấm” đó tồn tại, phải công phu đến mức nào.
Trước tiên, bởi đặc thù địa lý của Tà Tổng. Xã Tà Tổng nằm trên đỉnh núi, cao chừng 1600m so với mặt nước biển. Trước đây, để lên Tà Tổng, phải đi bộ 18km đường núi. Mùa mưa, xã gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. Việc vận chuyển ra vào xã hoàn toàn phụ thuộc vào sức người và ngựa thồ.
Vì thế, ngày xây dựng trạm viba Tà Tổng, cả cột viba cùng với bao nhiêu linh kiện kèm theo được tháo dời ra thành từng đốt, được lóc cóc gùi cõng thủ công lên đỉnh núi rồi lắp ráp lại.
Thế nhưng, quá trình duy trì đảm bảo hoạt động của trạm viba Tà Tổng còn công phu gấp nhiều lần. Không có điện lưới đến trạm này, nên nguồn năng lượng của trạm trông chờ chủ yếu vào nguồn điện máy nổ chạy bằng dầu. Nhưng vì đường xá chia cắt khó khăn, nên mỗi kg dầu đến trạm Tà Tổng chi phí đắt gấp đôi so với các nơi khác.
"Dầu giá 6 – 7 nghìn một lít vào Tà Tổng cộng thêm công vận chuyển 10 nghìn đồng mỗi kg, tương đương 0,8 lít” – Trần Việt Hùng, Giám đốc đương nhiệm của Trung tâm Viễn thông Mường Tè, là một “nhân vật” gắn bó với Trạm viba Tà Tổng, nói – “Đến như mình, làm suốt 3 năm 2002 – 2005 ở trạm này, thế mà sau khi rời trạm, năm 2007 mình mới lên đem được đồ đạc cá nhân về”.
Trạm viba Tà Tổng được biên chế 9 người, chia làm 3 ca trực, mỗi ca làm 1 tháng liên tục. “Cả tháng chỉ ở trạm, ăn đồ hộp triền miên. Trong cả tháng đó, hầu như cuộc sống của cả 3 anh em trong ca tách biệt với bên ngoài” – Hùng kể lại.
Cõng dầu lên trạm BTS |
Cũng phải nói thêm về tầm quan trọng của các trạm viba trong đảm bảo thông tin liên lạc ở địa bàn miền núi. Từ khoảng năm 2010 trở về trước, thông tin liên lạc ở Mường Tè “xài” viba 100%, và trạm viba Tà Tổng này là trạm trung chuyển, là trạm đường trục cấp 2 nối giữa huyện với tỉnh. “Địa hình miền núi nhiều đặc thù, vì thế, mặc dù bây giờ đã có hệ thống cáp quang, có trạm BTS, nhưng Mường Tè vẫn phải giữ trạm viba để dự phòng” – Hùng nói.
Sau đó, thay đổi tuyến viba, trạm viba được di chuyển từ vị trí cũ xuống vị trí mới, cách 7km, nơi đặt trạm BTS Tà Tổng bây giờ, và ghép vào cùng hạ tầng với trạm BTS. Hạ xuống vài xây số, nhưng điều kiện vận hành của trạm cũng thay đổi hẳn, chỉ cách đường lên xã Tà Tổng 300m, vận chuyển nhiên liệu cũng dễ dàng hơn, công coi sóc cũng giảm đi, từ 9 người trực giờ rút xuống còn 2.
Quả thực, điều kiện của trạm hiện nay là “trong mơ” rồi, nhưng đường lên trạm Tà Tổng bây giờ vẫn còn là điều “ngoài sức tưởng tượng” của nhiều người, bởi nói là đường ô tô nhưng ô tô chỉ có thể lên một cách khó khăn vào mùa khô, và mùa mưa vẫn phải đi bộ hàng chục km.
Niềm vui có sóng di động
Tà Tổng chỉ là một trong 20 trạm BTS, trong đó 4 trạm ghép gồm cả 2G và 3G, mà Trung tâm Viễn thông Mường Tè đang quản lý, mỗi xã, thị trấn 1 trạm, riêng Bum Tở 2 trạm, còn 2 xã mới tách năm 2012 chưa có trạm BTS là Vàn San (cách trung tâm huyện 25km) và Tá Bạ (cách 70km). Đa phần các trạm nằm ở vị trí hiểm yếu, vùng sâu cùng xa, việc duy trì ổn định mạng lưới thông tin cho toàn huyện trong quá trình vận hành khai thác không hề dễ dàng.
Do đặc thù địa hình miền núi phức tạp, nên ảnh hưởng đến phương thức truyền dẫn. Nếu như các tỉnh đồng bằng hoàn toàn quang hóa đến tận trạm BTS, thì ở đây chỉ quang hóa trên đường trục, còn lại vẫn phải sử dụng phương thức viba để đảm bảo truyền dẫn cho các trạm BTS.
Bảy trạm không có điện lưới, phải chạy dầu. Trong điều kiện thời tiết bình thường, việc vận chuyển xăng dầu lên trạm đã không dễ dàng gì, nhưng về mùa mưa lũ đường sạt, tắc, dầu phải chia từ thùng ra can, thuê cõng từng can qua quãng đường tới gần 30km. Ví như trạm BTS Mù Cả cách trung tâm 80km thì chỉ vận chuyển ô tô được từ đây lên Pác Ma 50km, còn lại phải đi bộ từ Pác Ma vào gần 30km vì sạt đường không thể nào cung cấp dầu được.
Nhưng có khó khăn như thế nào, thông tin liên lạc không thể dừng một phút vì trên địa bàn xã chỉ có 1 trạm BTS của VinaPhone đảm bảo thông tin liên lạc của xã với huyện và bên ngoài. Trung bình mỗi trạm này cần 30 triệu tiền dầu để vận hành mỗi tháng. Tính ra, chi phí nhiên liệu khoảng 250 triệu mỗi tháng cho các trạm BTS ở một huyện miền núi là một chi phí không hề “dễ chịu” đối với bất kỳ trung tâm viễn thông nào.
Một điều khác mà cả những người làm viễn thông ở đồng bằng cũng khó hình dung ra: Nếu ở đồng bằng mật độ cắm trạm BTS rất dày, trạm này mất liên lạc thì còn có sóng ở trạm kia, thì trạm ở đây lưu lượng không thể bằng các trạm đồng bằng được nhưng làm sao phục vụ phải đạt tối đa. Nếu trạm đó mất liên lạc thì cả xã mất liên lạc, trong phạm vi 20 – 30km không có sóng di động nào thay thế. Thế nên theo tiêu chuẩn ngành, mỗi trạm BTS phủ sóng bán kính tới 7km, nhưng trạm ở đây được “xoay” sao cho sóng “với” càng ra xa càng tốt, có khi tới 20km.
Hiện 20 trạm của Mường Tè phủ 17/19 xã, đạt khoảng 85 - 90% diện tích, còn hai xã chưa có trạm mà dùng chung “sóng với”. Nếu chỉ đơn thuần kinh doanh, Viễn thông Mường Tè có thể chọn vùng mang lại lợi nhuận cao, nhưng phải thực hiện cả nhiệm vụ chính trị đảm bảo thông tin liên lạc cho các cấp chính quyền địa phương: tỉnh xuống huyện, huyện xuống xã, xã xuống bản, nên khó khăn anh em vẫn không được từ bỏ. Nhất là vào mùa mưa bão, các máy của lãnh đạo Chủ tịch, Bí thư, thường trực phòng chống lụt bão, điều hành điện lực, công an… phải đảm bảo 24/24.
Niềm vui có sóng điện thoại |
Năm 2006, thời điểm còn chưa có nhiều điện thoại di động, chưa có hệ thống trạm BTS mà chỉ có một trạm vệ tinh mặt đất lắp ở Ka Lăng, người dân muốn gọi điện thì “chỉ được nói ít thôi”, phải xếp hàng người này chờ người kia, gọi cho gia đình, nói chuyện tình cảm yêu đương cứ “bơ đi” coi như không có người bên cạnh, trong khi người xếp hàng luôn thúc giục “nói nhanh lên, nhường người khác gọi nữa”.
"Có lần, trạm đó “chết” gần 1 tháng do sét đánh hỏng, phải chờ thiết bị dưới Hà Nội chuyển lên. Ngày thiết bị lên, anh em sửa trạm tới 9h tối không nghỉ. Sửa xong nhìn ra, thấy bà con vẫn đang xếp một hàng dài đứng chờ mà thấy cảm động quên cả đói mệt", anh Hùng kể, “Nỗ lực của chúng tôi giúp đồng bào không phải đi bộ mấy chục km để gọi điện, giúp cho khoảng cách địa lý cách trở được thu hẹp lại, giúp cho niềm vui của các gia đình được sẻ chia. Đó cũng chính là động lực thúc đẩy anh chị em chúng tôi cố gắng khắc phục khó khăn, gắn bó với Mường Tè”...