Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông - Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển”, Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III có 2 phần: Phần lễ và Phần hội. Đặc biệt tại phần hội sẽ có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch đặc sắc.
Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III tổ chức tại tỉnh Lai Châu dưới sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh Lai Châu, sự phối hợp của các Bộ, ngành Trung ương. Ngày hội có sự tham gia của 13 tỉnh (Lai Châu, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Điện Biên, Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Lào Cai, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái và Đắk Lắk) có đồng bào dân tộc Mông sinh sống và sẽ được truyền hình trực tiếp từ 20h30 - 22h00 ngày 24/12/2021 trên kênh VTV2 của Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Phát thanh - Truyền hình của các địa phương tham gia Ngày hội.
Ngày hội văn hóa dân tộc Mông lần thứ III được tổ chức tại Lai Châu. (Ảnh minh họa). |
Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông có nhiều hoạt động văn hóa như thi giã bánh dày; không gian trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa, du lịch; trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa dân tộc Mông; liên hoan văn nghệ quần chúng, trình diễn trang phục truyền thống dân tộc Mông; trưng bày, triển lãm đặc trưng văn hóa dân tộc Mông trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Hoạt động thi đấu thể thao truyền thống dân tộc Mông (gồm 4 môn truyền thống là tù lu, bắn nỏ, kéo co và đẩy gậy). Hoạt động du lịch gồm tổ chức đoàn Famtrip (các hãng lữ hành trong nước) khảo sát du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái tại tỉnh Lai Châu và tạo đàm "Đánh giá các sản phẩm du lịch của tỉnh Lai Châu và trao đổi kinh nghiệm, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường du lịch, thu hút các doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến với Lai Châu, góp phần tăng doanh thu đưa du lịch Lai Châu phát triển theo hướng bền vững".
Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III là một sự kiện lớn, thể hiện sự tôn vinh văn hóa một dân tộc giàu truyền thống văn hóa trong cộng đồng 54 dân tộc anh em; để các tỉnh tham gia có điều kiện học tập, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và đồng bào các dân tộc ý thức trách nhiệm của mình trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đồng thời, là dịp để giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mông tới bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần phát triển du lịch, phát triển kinh tế-xã hội.