Mới đây Hà Nội đã tổ chức thành công vòng chung kết cuộc thi Tìm hiểu Luật Bầu cử đại biểu quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Với phương thức tổ chức thi từ cơ sở, cuộc thi nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo các cán bộ, công chức và sự cổ vũ của các tầng lớp nhân dân.
Theo bà Hồ Thị Xuân Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội: Cuộc thi là một trong những phương thức hiệu quả, thiết thực để đưa pháp luật đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong cuộc bầu cử ngày 22/5/2016 sắp diễn ra. Nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, thực hiện một cách tốt nhất quyền bầu cử của mình trong kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021, Sở Tư pháp TP HCM và Báo Pháp Luật TP HCM tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật với chủ đề “Công dân với bầu cử”.
Cuộc thi nói trên bắt đầu khởi động từ 18/4/2016. Ngoài ra, ở cấp quận, dưới sự chủ trì của Phòng Tư pháp, các cơ quan nội chính như TAND, VKSND, Chi cục THADS cũng tổ chức thi tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân; tổ chức Hội thi “Chọn người tiêu biểu đức tài của nhân dân”.
Mặc dù còn nhiều khó khăn song một số huyện trên địa bàn tỉnh Hà Giang, với sự tham mưu về nội dung của cơ quan tư pháp, Đoàn thanh niên huyện đã tổ chức thi tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cho các đội thi đến từ Đoàn thanh niên các xã, thị trấn, Đoàn các trường học và chi đoàn các đồn biên phòng.
Mặc dù không bằng hình thức sân khấu hóa nhưng tại Bình Dương, Sở Tư pháp đã phát động cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử trên internet”. Theo đó, người dự thi chỉ cần vào địa chỉ trang web của Sở Tư pháp và nhấp chuột vào paner cuộc thi là có thể đăng ký tham gia. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Huyện đoàn một số nơi trong tỉnh cũng đã tổ chức cuộc thi Thanh niên với “Ngày hội non sông” nhằm tuyên truyền pháp luật về bầu cử đến các đối tượng đoàn viên thanh niên.
Xác định bầu cử là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị trong năm 2016 nên ngành Tư pháp địa phương rất nỗ lực trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật đến các tầng lớp nhân dân. Ngoài việc phổ biến qua các hội nghị, tọa đàm, nhiều Sở Tư pháp mở chuyên mục trên trang thông tin điện tử, phối hợp với các ngành, cơ quan truyền thông tuyên truyền pháp luật về bầu cử bằng nhiều hình thức.
Đặc biệt, tại các địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc, Sở Tư pháp chủ động biên soạn, cấp phát các tờ gấp bằng tiếng dân tộc thiểu số cấp phát tận cơ sở. Nhiều nơi, ngành Tư pháp phối hợp với ngành văn hóa thông tin tổ chức các xe lưu động tuyên truyền đến từng ngóc ngách tổ dân phố, bản, ấp. Ở cơ sở, cán bộ hộ tịch - tư pháp cùng các thành viên trong Ủy ban Bầu cử cấp xã tăng cường xuống các thôn chỉ đạo, phối hợp với cán bộ thôn, già làng, trưởng bản đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân về quyền và nghĩa vụ khi tham gia bầu cử.
Đáng chú ý, ở những nơi người dân đi bầu cử sớm (như Lai Châu), công tác tuyên truyền được tăng cường với phương châm đi trước một bước để người dân hiểu quyền và nghĩa vụ của mình tham gia đi bầu cử đúng pháp luật…
Trước đó để góp phần tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, đồng thời thực hiện đầy đủ trách nhiệm được giao theo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp có văn bản gửi các bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các địa phương tổ chức đợt cao điểm tuyên truyền, phổ biến các quy định về Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và các quy định pháp luật liên quan tới lĩnh vực này cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trong thời gian từ ngày 10/03/2016 đến hết ngày 22/5/2016.
Đến nay mặc dù chưa có báo cáo cụ thể về công tác triển khai, tuy nhiên hầu khắp các địa phương đều rất tích cực, dù mỗi địa phương tùy từng điều kiện của mình để có cách làm khác nhau.