Theo Kế hoạch này, Tổng cục Hải quan đặt ra nhiều nhóm nội dung công việc cụ thể, thời gian bắt đầu, thời gian hoàn thành và đơn vị thực hiện như: Xây dựng yêu cầu; tìm chuyên gia; hoàn thiện tài liệu, gửi thẩm định, xin ý kiến cơ quan liên quan; thẩm định và phê duyệt kế hoạch cụ thể thuê dịch vụ công nghệ thông tin; tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng; chuẩn bị hạ tầng công nghệ thông tin; xây dựng dịch vụ công nghệ thông tin. Trong nhóm nội dung xây dựng dịch vụ công nghệ thông tin, ngành Hải quan sẽ triển khai đào tạo, tập huấn, triển khai sử dụng dịch vụ công nghệ thông tin.
Trước đó, ngày 26/1/2021, Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 97/QĐ-BTC phê duyệt chủ trương thuê dịch vụ công nghệ thông tin thực hiện hải quan số. Mục tiêu của việc thuê dịch vụ công nghệ thông tin là: Thuê dịch vụ đồng bộ phần mềm, phần cứng đáp ứng yêu cầu thực hiện nghiệp vụ hải quan hướng tới hải quan số và đáp ứng các yêu cầu về an toàn thông tin hệ thống.
Hệ thống công nghệ thông tin mới phải ứng dụng những thành tựu mới về công nghệ, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan thông minh; quản lý toàn diện doanh nghiệp, hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh từ khâu đầu đến khâu cuối; sẵn sàng kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, doanh nghiệp và các bên liên quan phục vụ quản lý nhà nước về hải quan…
Tổng cục Hải quan cho biết, sau khi đăng tải công khai thông báo chủ trương thuê dịch vụ công nghệ thông tin, có 6 công ty tin học quan tâm đăng ký trình bày giải pháp, gồm: Tổng Công ty Công nghệ và giải pháp CMC; Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT; Tổng Công ty Viễn thông Toàn Cầu (GTEL); Viettel; Công ty SAP Việt Nam (công ty tin học của Đức); Công ty CP Hệ thống công nghệ ETC. Từ ngày 10 đến ngày 17/3, 6 công ty tin học trực tiếp đến Tổng cục Hải quan trình bày giải pháp công nghệ thông tin.
Kế hoạch chi tiết triển khai thuê dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ Hải quan số sẽ được triển khai từ 1/3/2021 đến 30/12/2022.