Ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) – tự hào kể khi nói về những việc đội ngũ cán bộ giáo viên, học sinh sinh viên (HSSV) đã làm để cùng đồng hành với cả nước trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 hiện nay.
• Thời gian qua, cùng với cả nước, ngành Giáo dục đã tích cực triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trong đó có việc khắc phục khó khăn để dạy và học trong điều kiện dịch bệnh, các hoạt động nghiên cứu khoa học, tham gia tình nguyện đóng góp vào cuộc chiến chống đại dịch. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về những hoạt động này?
- Ông Bùi Văn Linh: Triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đội ngũ cán bộ, nhà giáo, HSSV toàn ngành Giáo dục đã tích cực chuyển đổi để đáp ứng nhiệm vụ dạy học phù hợp với tình hình thực tế; tình nguyện xung phong tham gia tuyến đầu phòng chống dịch bệnh; đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát huy sáng tạo, cho ra đời các sản phẩm, ứng dụng thiết thực.
Hàng ngàn sinh viên khối các trường Y - Dược đã viết đơn xung phong tham gia công tác phòng chống dịch như túc trực ở sân bay, cửa ngõ địa phương, khu cách ly… để thực hiện nhiệm vụ phiên dịch, hướng dẫn khai báo y tế, tuyên truyền, nấu ăn…
Các hoạt động nghiên cứu khoa học, sáng chế các sản phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch đã trở thành phong trào lan tỏa rộng khắp và mang lại hiệu quả to lớn. Từ mũ chống bắn giọt tặng các y bác sĩ, đến nước rửa tay, máy rửa tay tự động, máy đo thân nhiệt không tiếp xúc tặng các bệnh viện, trường học, cơ quan, đến máy trợ thở, robot nhắc đeo khẩu trang, kit test chẩn đoán Covid-19…
Các trường học và cá nhân nhà giáo, HSSV mọi miền trong cả nước còn ủng hộ từ vật chất (gạo, tiền tiết kiệm, hay may tặng khẩu trang) đến tinh thần cho công tác phòng, chống dịch (sáng tác thơ, bài hát ca ngợi sự hy sinh vất vả của các bác sĩ...)
Còn rất nhiều hành động nhỏ, ý nghĩa lớn của mỗi cá nhân, trường lớp mà chúng ta được chứng kiến hàng ngày. Với riêng HSSV, các hoạt động sáng tạo, sáng kiến được phát huy trên cơ sở kiến thức do giáo viên, giảng viên truyền đạt tại trường học và phù hợp với sức khỏe, trình độ của các em.
Song song với đó, yêu cầu nhanh chóng chuyển đổi từ dạy học truyền thống sang dạy học từ xa, dạy học trực tuyến trên truyền hình và qua Internet. Thầy và trò trên khắp cả nước, từ thành phố đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã rất tích cực cố gắng thích ứng, sáng tạo, vượt khó để việc học tập không bị gián đoạn.
Sinh viên trường Đại học Y Dược Huế đăng ký tham gia tình nguyện chiến dịch chống Covid-19. Ảnh:huemed-univ.edu.vn |
• Được biết, Bộ GDĐT đã kêu gọi cán bộ, giáo viên, giảng viên, HSSV toàn Ngành khai báo y tế tự nguyện một cách đầy đủ, chính xác, nhanh chóng để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ông có thể cho biết việc triển khai hoạt động này và đánh giá sơ bộ kết quả?
- Ông Bùi Văn Linh: Việc khai báo sức khỏe y tế tự nguyện rất quan trọng, giúp ngành Y tế quản lý được các vấn đề dịch tễ, biểu hiện khác thường về sức khỏe và tổ chức sàng lọc, thăm khám, hỗ trợ, điều trị kịp thời, nhằm đảm bảo sức khỏe cho nhà giáo, học sinh sinh viên tốt nhất.
Theo đó, Bộ GDĐT đã ban hành công văn về việc phổ biến và hướng dẫn khai báo sức khỏe tự nguyện để phòng, chống dịch Covid-19; đề nghị các Sở GDĐT; các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm triển khai gấp việc khai báo sức khỏe.
Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 của Bộ đã thiết lập đầu số điện thoại gửi tin nhắn SMS và tài khoản Zalo; tận dụng hệ thống thông tin quản lý trường học toàn ngành, website và mạng xã hội... để đôn đốc, kêu gọi toàn thể cán bộ quản lý, nhà giáo, HSSV, cha mẹ HSSV thực hiện khai báo y tế.
Qua nắm bắt cho thấy, các Sở GDĐT, các cơ sở đào tạo đã nghiêm túc triển khai, hướng dẫn, tuyên truyền cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên khai báo y tế tự nguyện đầy đủ. Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia, số lượng người dân khai báo y tế tự nguyện đã tăng đáng kể trong 2 tuần qua.
Tới đây, Bộ GDĐT sẽ tiếp tục chỉ đạo, quán triệt và kêu gọi các thầy cô giáo, HSSV toàn ngành, cha mẹ HSSV còn lại khai báo y tế. Chúng tôi mong rằng, các gia đình hãy giúp đỡ, động viên con em mình thực hiện khai báo y tế tự nguyện ngay, bởi đây là việc làm thiết thực và đơn giản nhất để góp phần chiến thắng dịch bệnh Covid-19.
• Ông đánh giá thế nào về việc học từ xa, học qua internet, trên truyền hình thời gian qua của HSSV cả nước?
- Ông Bùi Văn Linh: Khi bệnh dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, HSSV phải “tạm dừng đến trường” thì tổ chức dạy và học từ xa, trực tuyến là phương thức cần thiết và khả thi nhất để “không dừng việc học”.
Do tình thế cấp bách, thời gian gấp gáp, phương thức này cũng có những trở ngại nhất định, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng, bài giảng và học liệu tương ứng. Tuy nhiên, thực tế khó khăn càng cho thấy, thầy, trò đã cố gắng gấp đôi, gấp ba để sử dụng phương tiện để duy trì việc học, với hỗ trợ nhiệt tình từ phụ huynh học sinh.
Đến thời điểm này, toàn bộ các hoạt động dạy học chính của các cấp học đang được vận hành ổn định trong toàn quốc trên hệ thống truyền hình, trực tuyến qua Internet. HSSV vừa là người được các thầy cô giáo truyền đạt kiến thức, nhưng mặt khác chính với sự sáng tạo, linh hoạt, chịu khó của mình, các em đã góp phần làm cho quá trình học tập trực tuyến trở nên sinh động hơn, thiết thực hơn.
Sau giai đoạn khó khăn này, tôi tin tưởng rằng, sự chủ động thích ứng và khả năng tự lập của HSSV Việt Nam sẽ trở nên vững vàng hơn. Chúng ta sẽ có một thế hệ HSSV được trải nghiệm qua một giai đoạn gian khó, biết trân quý cuộc sống hơn, biết cách vượt qua thử thách để lao động, học tập, rèn luyện và thành công hơn.
• Để đánh giá, ghi nhận, cổ vũ những nỗ lực, đóng góp của toàn Ngành, Bộ GDĐT sẽ có cơ chế khuyến khích, khen thưởng những tập thể, cá nhân như thế nào?
- Ông Bùi Văn Linh: Bộ GDĐT cũng như Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nhiều lần biểu dương những tấm gương học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên tích cực học tập, rèn luyện, tham gia các hoạt động tình nguyện phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Lầu Mí Xá dựng lán bên ven đường để có sóng học online. Ảnh: baodantoc.vn |
Những tấm gương gần đây chúng ta được đọc trên báo chí như em Lầu Mí Xá, sinh viên năm 3 của Học viện Hành chính quốc gia dựng lán học online giữa núi rừng, cô giáo Đoàn Thị Hồng Lương (Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, TP Hải Phòng) viết đơn tình nguyện xin ra thực hiện chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19, hay những giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ở nhiều địa phương đang tình nguyện làm đầu bếp tại các khu cách ly và còn rất nhiều hành động ý nghĩa khác trên cả nước đã cho thấy cho thấy hình ảnh đẹp về ngành Giáo dục.
Bộ GDĐT sẽ sớm tập hợp, đánh giá các tấm gương, các việc làm tốt đẹp của đội ngũ cán bộ, nhà giáo, HSSV trong toàn Ngành để khen thưởng, động viên kịp thời ngay trong tháng 4 này. Toàn ngành Giáo dục sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, yêu cầu đặt ra, tiếp tục thể hiện tinh thần vượt khó, tình nguyện để góp phần chia lửa với đội ngũ cán bộ y tế, quân đội, công an, lực lượng tình nguyện viên nơi tuyến đầu chống dịch, với hy vọng cả nước sớm chiến thắng bệnh dịch Covid-19.
Trân trọng cảm ơn ông!
Những tấm gương, những hình ảnh đẹp của ngành Giáo dục ở mọi hoàn cảnh, nhất là trong phòng, chống Covid-19 cần được phát hiện và biểu dương kịp thời. Bộ GDĐT khuyến khích các địa phương, trường học, cơ sở giáo dục đại học tiếp tục phát huy sáng kiến kinh nghiệm và phát hiện, gửi thông tin, hình ảnh, video về những hành động đẹp, sáng kiến hay, những tấm gương tiêu biểu trong công tác dạy học trực tuyến, nghiên cứu khoa học, tham gia phòng – chống dịch bệnh Covid-19 tới Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (35 Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội, email: vugdcthssv@moet.gov.vn) để tổng hợp, đề xuất biểu dương, khen thưởng.