Không còn là vấn đề mới, song trong bối cảnh nền kinh tế đang mò mẫm thoát đáy thì bất cập trong thu - chi ngân sách vẫn khiến các nhiều chuyên gia phải lên tiếng, trong một diễn đàn kinh tế lớn vừa diễn ra.
Vượt dự toán vào phút chót, nhưng theo nhìn nhận của TS. Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) thì đến năm 2013, cơ cấu thu ngân sách nhà nước vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào các nguồn thu có tính ổn định không cao và không bền vững, như thu từ dầu thô, từ tiền sử dụng đất, từ hải quan, khi tổng ba nguồn này chiếm khoảng 35% tổng thu.
Thu từ dầu thô chiếm trên 13%, thu từ xuất nhập khẩu chiếm trên 17%, mà đây là những khoản thu không trực tiếp phản ánh hiệu quả của nền kinh tế, TS. Vũ Như Thăng, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính nhìn nhận.
Theo TS. Vũ Sỹ Cường, trong ngắn hạn, nguồn thu ngân sách có thể giảm do thay đổi chính sách thuế. Bởi từ 1/1/2014 thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ chỉ còn 22% . Thu thuế xuất nhập khẩu cũng có thể giảm đi khi Việt Nam tiếp tục cắt giảm thuế suất theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và cam kết theo hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN giai đoạn 2012-2014.
Với chi ngân sách, ở báo cáo gần đây nhất, Bộ Tài chính khẳng định chi ngân sách nhà nước năm 2013 đã được điều hành chặt chẽ, tiết kiệm.
Tuy nhiên, các chuyên gia lại chỉ ra nhiều nguy cơ đáng lo ngại. Tổng chi thường xuyên đã lớn hơn mức thu từ thuế và phí, theo ông Cường là vi phạm nguyên tắc về tính bền vững đã được nêu ra trong luật ngân sách và tạo ra rủi ro lớn cho ngân sách về dài hạn.
Cùng quan điểm thu ngân sách giảm có nguyên nhân cơ cấu thu thiếu tính bền vững, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cũng chỉ ra nguy cơ từ chi ngân sách lại rất “bền vững” - theo nghĩa rất khó cắt giảm, do chi thường xuyên chiếm tỷ trọng lớn, chi trả nợ tăng nhanh.
Theo dõi biến động qua các năm, ông Thiên khái quát, tổng chi ngân sách năm 2013 đã tăng khoảng 9 lần so với năm 2000, chủ yếu là do sự đóng góp của chi thường xuyên khi tăng 10,7 lần. Và nếu tính theo GDP thì quy mô chi tiêu ngân sách tăng từ 24,67% năm 2000 lên 30,61% năm 2012.
Như vậy, quy mô chi tiêu ngân sách của Việt Nam đã cao hơn đáng kể so với mức trung bình được khuyến cáo là khoảng 20 - 25% GDP.
"Vì chi thường xuyên và chi trả nợ đã chiếm gần hết thu ngân sách, do đó để có tiền chi đầu tư phát triển, chính phủ phải gia tăng vay nợ, gia tăng vay nợ của chính phủ làm giảm nguồn lực mà khu vực tư nhân được tiếp cận, cùng với đó, gánh nặng nợ cũng ngày càng gia tăng", ông Thiên có cùng nỗi lo với nhiều vị chuyên gia khác.
Sự thiếu bền vững của thu ngân sách nhà nước, dưới góc nhìn của Viện trưởng Thiên, cũng chính là một trong các nguyên nhân đe dọa tính an toàn của nợ công Việt Nam. Mà, nếu tính theo tiêu chí quốc tế thì tỷ lệ nợ công so với GDP của Việt Nam đã vượt khá xa mức an toàn theo các khuyến cáo của các tổ chức quốc tế.
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng rủi ro tài khóa mở rộng giống như “leo lên lưng hổ mà chưa có cách xuống được”, trước động thái tăng chi tiêu công, tăng đầu tư công, tăng bội chi, tăng trái phiếu chính phủ. Mà tăng vay nợ để nhà nước chi tiêu đồng nghĩa với việc giảm nguồn lực còn lại cho khu vực doanh nghiệp tư nhân đang kiệt sức.
Những bất cập từ sự thiếu bền vững thu và “bền vững” chi của ngân sách hiện nay được nhiều chuyên gia kỳ vọng sẽ giải quyết được khi sửa Luật Ngân sách Nhà nước.
Song, như VnEconomy đã đưa tin, tại kỳ họp Quốc hội thứ 7 sẽ khai mạc vào ngày 20/5 tới đây, Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) lại tiếp tục được xin hoãn để có thêm thời gian cho việc tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện. Mặc dù đây là dự án luật đã từng được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội từ năm 2009.
Và khi chưa sửa luật thì những sốt ruột về kỷ luật tài chính sẽ vẫn chỉ là “biết rồi, khổ lắm, vẫn phải nói” mà thôi.