Phát hiện giấy tờ giả chỉ dựa vào….kinh nghiệm!?
Liên tục các vụ việc làm giấy tờ giả trong thời gian qua bị lực lượng Công an phát hiện, triệt phá đã nói lên sự thật là tình trạng làm giả giấy tờ tài liệu vẫn tồn tại như một hiện tượng bức xúc trong đời sống xã hội. Chỉ cần một cú nhấp chuột trên google trong vài chục giây đã cho hàng triệu kết quả làm giấy tờ nhanh, giấy tờ giả, thậm chí không cần tìm kiếm vẫn có những số điện thoại lạ gửi tin nhắn mời chào làm giấy tờ với chi phí thấp…
Tình trạng làm và sử dụng giấy tờ giả vẫn diễn ra thì câu chuyện giấy tờ giả trong công chứng cũng không phải là mới. Theo ông Tuấn Đạo Thanh, Chủ tịch Hiệp Hội công chứng viên Việt Nam thì hiện nay công chứng viên vẫn hàng ngày, hàng giờ phải đối mặt với vấn nạn này mà chưa có các giải pháp giải quyết tận gốc. “Giấy tờ giả được làm ngày càng tinh vi, khó phát hiện, bằng mắt thường rất khó có thể phân biệt, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ phát triển như hiện nay. Thực tế, công chứng viên chỉ có thể phân biệt thật, giả dựa trên….kinh nghiệm làm nghề”.
Ông Thanh lý giải một văn bản muốn biết thật giả, phải qua cả quá trình giám định mới có thể đưa ra kết luận chính xác trong khi công chứng không có máy móc, thiết bị trong tay, nên có những việc công chứng vào giấy tờ giả là khó tránh khỏi. Tất nhiên khi xem xét trách nhiệm, phải xem xét đến yếu tố lỗi (cố ý, vô ý) của công chứng viên, nhưng việc này trong nhiều trường hợp là rất khó khăn, thậm chí nhiều vụ công chứng viên thành nạn nhân của giấy tờ giả.
Nhiều công chứng viên cũng thừa nhận, việc phân biệt giấy tờ, con dấu, chứng từ thật giả hiện nay chỉ dựa vào kinh nghiệm cảm quan. Nhưng kinh nghiệm thì người nhiều, người ít, và độ nhạy cảm thì không phải ai cũng giống nhau, chưa kể đến yếu tố đạo đức nghề nghiệp do đó thực tế thì vẫn có những trường hợp giấy tờ giả lọt qua cửa công chứng đáng tiếc như một số vụ việc công luận đã nêu.
Bên cạnh đó, cái khó cho các công chứng viên là hiện nay chưa có cơ chế hỗ trợ công chứng viên trong việc kiểm tra xử lý các giấy tờ giả cũng chưa có cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu từ các ngành liên quan đặc biệt trong lĩnh vực đất đai. Ngay cơ sở dữ liệu hành nghề công chứng được Luật Công chứng năm 2014 giao UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng cũng chưa có nhiều sự kết nối, liên thông giữa các địa phương. Vì thế khi có nghi ngờ giấy tờ giả mạo công chứng viên cũng không có cách gì kiểm tra, làm rõ.
Để xảy ra các vụ việc “chứng” vào giấy tờ giả, nếu công chứng viên cố tình làm sai để trục lợi thì bị xử lý hình sự, vô ý thì phải bồi thường dân sự. Do đó, với tình trạng giấy tờ giả như hiện nay thì nhiều công chứng viên cho rằng nguy cơ họ phải đối mặt là bị bồi thường, bị xử lý hình sự là rất lớn.
Cần thiết chia sẻ các dữ liệu có liên quan đến hoạt động công chứng
Để nhận diện giấy tờ thật giả, nhiều cơ quan quản lý tổ chức hành nghề công chứng, Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam và các Hội công chứng viên trên cả nước đã tiến hành nhiều cuộc tập huấn, nâng cao trình độ, đạo đức nghề nghiệp cho công chứng viên. Nhiều tổ chức hành nghề công chứng cũng đã ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ trình độ cao như sử dụng các máy soi, kính lúp để phóng đại quan sát các chi tiết trên giấy tờ, văn bản…Khi phát hiện, nghi ngờ các giấy tờ giả mạo, công chứng viên lập biên bản tạm giữ giấy tờ để xác minh tại các cơ quan có thẩm quyền.
Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19/11/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng đã xác định nhiều giải pháp. Trong đó, hoàn chỉnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng theo quy định của Luật Công chứng để phục vụ hoạt động công chứng, đảm bảo chia sẻ và kết nối thông tin công chứng với các ngành, lĩnh vực khác có liên quan; Xây dựng kế hoạch triển khai, hướng dẫn việc kết nối, chia sẻ dữ liệu về đất đai, nhà ở, doanh nghiệp, dân cư với cơ sở dữ liệu công chứng bảo đảm việc kết nối liên thông giữa các Sở, ban, ngành có liên quan với các tổ chức hành nghề công chứng.
Thực hiện thí điểm liên thông khi có yêu cầu của cá nhân, tổ chức đối với thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí trong việc thực hiện thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức, giúp phát hiện, ngăn chặn các giao dịch giả tạo, hợp pháp hóa các giao dịch bất hợp pháp, tránh thất thoát nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Kế hoạch số 299/QĐ-BTP ngày 5/3/2021 của Bộ Tư pháp triển khai thực hiện Nghị quyết 172 của Chính phủ nêu trên cũng xác định các nội dung để phát triển nghề công chứng là rà soát các quy định pháp luật về dân sự, đất đai, nhà ở, đầu tư, giao dịch bảo đảm... liên quan đến tổ chức và hoạt động công chứng; quy định về việc sử dụng tài liệu, giấy tờ giả, giả mạo người yêu cầu công chứng và các hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan đến hoạt động công chứng. Bên cạnh đó, hoàn thiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng tại các địa phương; Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng toàn quốc; thực hiện việc cập nhật, kết nối, chia sẻ các dữ liệu có liên quan đến hoạt động công chứng…là những giải pháp căn cơ, lâu dài để giải quyết tận gốc tình trạng sử dụng giấy tờ giả trong công chứng như hiện nay.