Anh K’Sinh ở xã Quảng Tín, Đắk R’lấp, Đắk Nông cho biết: “Vợ chồng mình có với nhau 3 đứa con rồi, nhưng vẫn chưa có đứa con trai nào nên mình vẫn muốn sinh thêm. Vợ mình nghe theo cán bộ y tế, muốn thực hiện KHHGĐ còn mình thì cho rằng, con là “trời cho” nên sẽ đẻ tiếp”.
Chuyện cánh đàn ông còn phó mặc cho chị em về thực hiện “kế hoạch” không chỉ xảy ra phổ biến ở bà con dân tộc thiểu số mà còn ở cả người Kinh. Chị Nguyễn Thị Lan ở phường Nghĩa Đức, Gia Nghĩa, Đắk Nông tâm sự: “Lâu nay tôi đều chủ động và tự tìm cho mình biện pháp tránh thai phù hợp, chứ chồng tôi có mấy khi quan tâm. Nam giới chỉ có biện pháp dùng bao cao su khá đơn giản, nhưng chồng tôi thì không bao giờ chịu dùng vì cho rằng, việc “kế hoạch” là việc phụ nữ phải chủ động”.
Cách đây 50 năm tại Hội nghị Quốc tế về Quyền con người do Liên Hợp quốc, (LHQ) tổ chức, Tuyên bố Teheran về Quyền con người đã khẳng định rõ các cặp vợ chồng hoàn toàn có quyền tự mình đưa ra các quyết định về thực hiện KHHGĐ cho chính bản thân mình.
Thế nhưng, hiện nay có khoảng 214 triệu phụ nữ có nhu cầu tránh thai nhưng chưa tiếp cận được với các dịch vụ và biện pháp tránh thai hiện đại. Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc đảm bảo tiếp cận với các dịch vụ KHHGĐ, đạt được mục tiêu giảm mức sinh từ 5 con/cặp vợ chồng xuống còn 2,09 con/cặp vợ chồng (năm 2016).
Tỷ lệ tử vong mẹ trên toàn quốc đã giảm đáng kể từ 233/100.000 ca sinh sống trong những năm 1990 xuống còn 58/100.000 ca sinh sống vào năm 2016. Những thành tựu đó không chỉ giúp cho người dân được hưởng lợi từ KHHGĐ mà còn có sự góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước. Nhưng, trong lĩnh vực KHHGĐ vẫn còn nhiều thách thức khi tỷ lệ nạo phá thai vẫn cao, chủ yếu phụ nữ áp dụng các biện pháp tránh thai và nhiều cặp đôi vẫn áp dụng biện pháp tránh thai truyền thống...
Câu chuyện của vợ chồng chị T. phường Chương Dương, Hà Nội là một trong những câu chuyện điển hình về vấn đề đàn ông cũng cần có trách nhiệm trong KHHGĐ. Chị T. do chị bị dị ứng với vòng tránh thai, còn chồng chị không chịu sử dụng bao cao su nên sau hàng chục lần nạo phá thai (có năm tới 5 lần), gia đình chị T. chẳng mấy khi yên ấm, còn chị T. ngày một tàn tạ, héo hon. Cuộc sống gia đình chị T. chỉ thực sự thay đổi khi anh cộng tác viên dân số của phường thuyết phục được chồng chị sử dụng bao cao su.
Phát biểu tại lễ mít tinh với chủ đề “Thành công của KHHGĐ là tiền đề cho phát triển bền vững” nhân kỷ niệm Ngày Dân số thế giới (11/7) do Bộ Y tế, Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) tại Việt Nam tổ chức mới đây, bà Astrid Bant, Trưởng đại diện Quỹ Dân số LHQ tại Việt Nam nhấn mạnh, hiện nay các biện pháp tránh thai chủ yếu dành cho phụ nữ, do đó cần phải tổ chức các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi mạnh mẽ để khuyến khích nam giới tham gia vào KHHGĐ.
Tổng cục Dân số - KHHGĐ, Bộ Y tế cần xây dựng chiến lược truyền thông hiệu quả để giảm thiểu sử dụng các phương pháp truyền thống và tăng cường sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Các biện pháp tránh thai sẽ giúp trẻ em gái không mang thai ở lứa tuổi vị thành niên; đồng thời, giúp các bà mẹ không sinh quá nhiều con để dành sức khoẻ, vật chất đầu tư cho con cái và cuộc sống của mình.