Nga, Ukraine xích lại gần nhau hơn?

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trong các cuộc đàm phán vừa diễn ra, lập trường của Nga và Ukraine đã xích lại gần nhau hơn về một số vấn đề quan trọng, dù một số vấn đề cần được giải quyết ở cấp tổng thống.

Theo các hãng tin TASS và Reuters, thông tin trên được Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Hurriyet số ra ngày 20/3.

“Lập trường của hai bên trùng khớp về các vấn đề quan trọng và then chốt. Đặc biệt, chúng tôi thấy rằng lập trường họ gần như hoàn toàn trùng khớp về bốn điểm đầu tiên của thỏa thuận. Một số vấn đề cần được giải quyết ở cấp tổng thống”, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cho hay.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra lạc quan về triển vọng Nga và Ukraine đạt được một lệnh ngừng bắn nếu các bên không thay đổi quan điểm so với hiện nay.

Vẫn theo ông Cavusoglu, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ muốn tổ chức một cuộc họp ba bên với sự tham gia của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Ông nói: “Nếu đạt được thỏa thuận hòa bình đạt được, các Tổng thống Nga và Ukraine chắc chắn sẽ gặp nhau”, ông Cavusoglu khẳng định, đồng thời nhấn mạnh việc các nhà lãnh đạo Ukraine và Nga đã “không loại trừ khả năng như vậy”.

“Cho đến nay, chúng tôi thấy rằng về cơ bản, không bên nào phản đối tổ chức cuộc họp ở Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Cavusoglu nói thêm. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết, một số nước khác cũng đang nỗ lực để tổ chức cuộc họp của nguyên thủ Nga và Ukraine.

Trước đó, ông Ibrahim Kalin – Người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ - ngày 19/3 cũng cho rằng, Nga và Ukraine có thể đạt được thỏa thuận hòa bình. “Thỏa thuận hòa bình là điều khả thi.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là khi nào và bằng cách nào để đạt được nó”, ông Kalin cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn với Al Jazeera. Ông Kalin cũng khẳng định, lệnh ngừng bắn vĩnh viễn chỉ có thể đạt được thông qua cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Ukraine Zelenskyy.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định, Nga hy vọng chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine sẽ kết thúc với một thỏa thuận toàn diện về các vấn đề an ninh, trong đó có quy chế trung lập của Ukraine. Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Lavrov nói rằng Nga sẵn sàng tìm kiếm các đảm bảo về an ninh và sẽ phối hợp với Ukraine cũng như châu Âu để thực hiện điều đó.

Những thông tin trên được đưa ra sau khi tờ Financial Times dẫn các nguồn tin tham gia các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine cũng cho biết, Moscow và Kiev đã đạt được “tiến bộ đáng kể” về “một kế hoạch hòa bình dự kiến 15 điểm bao gồm ngừng bắn và rút quân của Nga”.

Cụ thể, các nguồn tin cho hay, trong số những điểm đáng chú ý của thỏa thuận có điều khoản Nga sẽ rút lui “nếu Kiev tuyên bố trung lập và chấp nhận các giới hạn về lực lượng vũ trang của nước này”.

Thỏa thuận được cho là liên quan đến việc Ukraine từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO và đảm bảo rằng nước này không có các căn cứ quân sự nước ngoài.

Trước đó, trong bài phát biểu hôm 15/3, Tổng thống Ukraine Zelensky thừa nhận Kiev không có triển vọng gia nhập NATO và người dân Ukraine phải chấp nhận sự thật này.

Trong bài phát biểu ngày 19/3, Tổng thống Zelensky bày tỏ mong muốn tham gia các cuộc đàm phán có ý nghĩa, chân thành về hòa bình, an ninh và không có sự gián đoạn. “Tôi muốn mọi người lắng nghe tôi bây giờ, đặc biệt là ở Moscow. Đã đến lúc phải có một cuộc gặp, đã đến lúc phải đối thoại”, ông Zelensky nói.

Theo ông Mikhail Podolyak - Trợ lý của Tổng thống Ukraine - yêu cầu chính của Ukraine tại các cuộc đàm phán bao gồm lệnh “ngừng bắn, rút quân và thỏa thuận chính trị liên quan đến các vùng lãnh thổ tranh chấp”.

Ông này cũng cho rằng Tổng thống Zelensky có thể gặp Tổng thống Putin “trong những tuần tới”, nếu Nga và Ukraine đạt được hiệp ước hòa bình.

Trong khi đó, về phía Nga, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov lại nói rằng phía Nga sẵn sàng làm việc với tốc độ nhanh hơn nhiều so với hiện tại. nhưng phía Ukraine không có dấu hiệu cho thấy họ có thể đẩy nhanh tiến trình đàm phán. Tuy nhiên, ông Peskov xác nhận quá trình đàm phán vẫn đang diễn ra.

Trên thực địa, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov ngày 20/3 thông báo, Moscow trong ngày 19 và 20/3 đã phóng tên lửa hành trình từ chiến hạm ở biển Đen và biển Caspi, đồng thời bắn tên lửa siêu thanh từ bán đảo Crimea vào các mục tiêu quân sự của Ukraine.

Trong một diễn biến khác có liên quan, Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk ngày 20/3 cho biết sẽ mở 7 hành lang nhân đạo để dân thường có thể sơ tán khỏi các khu vực có giao tranh. Theo giới chức Ukraine, cho đến nay, nước này đã sơ tán tổng cộng 190.000 người khỏi các khu vực xung đột kể từ khi xảy ra căng thẳng Nga - Ukraine hôm 24/2.

Còn một nguồn tin trong cơ quan an ninh Nga ngày 20/3 cho biết, số người từ các khu vực Donetsk và Lugansk cũng như từ Ukraine đến Nga tính đến trưa cùng ngày đã vượt qua con số 335.000 người. Trong số này có hơn 71.000 trẻ em.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.