Cụ thể, hiện chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc áp dụng các biện pháp kê biên, phong tỏa tài sản, tài khoản của người phạm tội ngay trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử để ngăn chặn việc tẩu tán tài sản, làm cơ sở cho cơ quan THADS tổ chức thi hành án.
Theo đó, Điều 128, 129 và 130 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 chỉ quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng và hủy bỏ áp dụng biện pháp kê biên, phong tỏa tài khoản trong quá trình tiến hành tố tụng chứ không quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan trong việc áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp kê biên, phong tỏa tài sản, tài khoản của người phạm tội.
Bên cạnh đó, Điều 128 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định chỉ được kê biên tài sản tương ứng với nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, trong giai đoạn điều tra, cơ quan điều tra chưa thể xác định cụ thể thiệt hại mà người phạm tội phải bồi thường, do đó, trong một số trường hợp cơ quan điều tra còn lúng túng, chưa kịp áp dụng kịp thời biện pháp kê biên tài sản của người phạm tội. Hơn nữa, thời gian điều tra, truy tố các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế thường kéo dài, do đó, người phạm tội và người thân của họ đã tìm cách tẩu tán tài sản trước khi cơ quan điều tra kê biên.
Quy định của pháp luật THADS về ủy thác thi hành án chưa thực sự phù hợp, đặc biệt là trong trường hợp các tài sản kê biên nằm ở nhiều địa phương trên cả nước. Mặt khác, các tài sản kê biên ở địa phương khác nếu không được xử lý sớm có thể bị lấn chiếm, hư hỏng, giảm giá trị, gây khó khăn cho cơ quan THADS khi tổ chức thi hành, ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự, dễ phát sinh khiếu nại, tố cáo.
Ngoài ra, Điều 92 Luật THADS năm 2014 tuy có quy định về kê biên vốn góp nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục xử lý tài sản kê biên là phần vốn góp, cổ phần, cổ phiếu của người phạm tội, khiến cơ quan THADS còn lúng túng trong việc xử lý đối với các trường hợp này.
Ngoài những vướng mắc về mặt thể chế thì cơ quan THADS còn gặp nhiều khó khăn khi xử lý tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế do đa số người phạm tội phải chấp hành hình phạt tù tại trại giam, không có tài sản để thi hành án hoặc có tài sản nhưng không đủ để thi hành các nghĩa vụ dân sự theo bản án tuyên. Chính vì vậy, nhiều vụ việc sau quá trình xác minh điều kiện thi hành án, nhận thấy đương sự không có hoặc không còn bất cứ tài sản nào để thi hành án nên cơ quan THADS đã ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án. Trong đó có một số vụ việc có tiền chưa có điều kiện thi hành án rất lớn như vụ Phạm Thị Bích Lương với số tiền chưa có điều kiện là hơn 2.000 tỷ đồng, vụ Dương Chí Dũng…
Thực tế cũng cho thấy đa số tòa án chỉ quan tâm đến phần hình phạt đối với người phạm tội trong các vụ án mà chưa thực sự chú trọng đến phần nghĩa vụ dân sự trong các bản án. Do đó, một số bản án tuyên không thực sự khả thi, rất khó để cơ quan TAHDS tổ chức thi hành.
Để tháo gỡ phần nào những vướng mắc trên, các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, hoàn thiện quy định của pháp luật tố tụng hình sự về trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong áp dụng các biện pháp kê biên, phong tỏa tài sản, tài khoản của người phạm tội cũng như phạm vi áp dụng các biện pháp đó để nhằm hạn chế thấp nhất việc tẩu tán tài sản của người phạm tội để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án.
Đồng thời nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định của Luật THADS về ủy thác thi hành án cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn, nhất là khi tổ chức các vụ án lớn có tài sản kê biên nằm ở nhiều nơi trên cả nước, có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục xử lý một số tài sản kê biên mang tính chất đặc thù như vốn góp, cổ phần, cổ phiếu, vật đặc định… Cùng với đó cần tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan liên quan để tạo thuận lợi trong việc THADS nói chung và thi hành án tham nhũng, kinh tế nói riêng.