Nhà trai vờ từ chối lời hỏi cưới của nhà gái
Người K’Ho Ser là một nhánh của dân tộc K’Ho ở Lâm Đồng nói riêng, Tây Nguyên nói chung. Đồng bào K’Ho theo chế độ mẫu hệ, người con gái có vai trò quan trọng trong gia đình, chủ động trong hôn nhân; nhưng con trai vẫn là người chủ động trong tình yêu. Đàn ông tìm kiếm và tỏ tình với cô gái mình yêu qua các buổi sinh hoạt cộng đồng, nhất là mùa lễ hội mừng lúa mới.
Khi đã tìm được người ưng ý, những chàng trai, cô gái K’Ho hẹn hò, tìm hiểu nhau trước khi đi tới hôn nhân. Trong những lần hẹn hò, các cặp đôi mạnh dạn gửi gắm tình cảm cho “người ta” qua lời thơ câu hát. Ví dụ như chàng trai sẽ hát “Mấy hôm nay anh nhớ em nhiều. Anh ước mong chúng mình cùng chung chăn, chung gối, ở bên nhau đến tóc dài. Anh muốn chúng mình ở bên nhau, anh muốn chúng ta có những đứa con chung. Anh nhớ bàn tay ấm áp của em. Em ơi, anh nhớ em…”.
Đáp lại, cô gái tình tứ, mãnh liệt không kém: “Anh ơi, em nhớ mong anh quá. Em nhớ anh không muốn nấu cơm. Em nhớ anh không muốn hái măng, không muốn sàng lúa, không muốn đi kiếm củi. Em nhớ anh suốt đêm không ngủ, nhớ nụ hôn của anh. Em muốn được lấy anh, để có bàn tay anh làm gối, để có chung những đứa con. Anh ơi, em nhớ anh…”.
Trong bóng đêm, chàng trai đến dưới chân nhà sàn cô gái thổi kèn môi tỏ tình, cô gái mở cửa cho chàng trai lên nhà, ngồi tâm sự. Mỗi lần chuyện trò tìm hiểu, cô gái sẽ giữ lấy một vật gì đó của chàng trai để làm tin, có thể chỉ là chiếc cúc áo.
Khi cô gái đã yêu chàng trai rồi, sẽ về thưa với cha mẹ, cùng bà mối cầm tín vật sang nhà trai xin hỏi cưới chàng trai làm chồng. Mặc dù cha mẹ chàng trai đã ưng bụng (ngầm chấp thuận, đồng ý - PV) nhưng vì thể diện vẫn vờ từ chối vài lần với lý do “con họ còn nhỏ, chưa biết làm ăn”.
Bà mai và cô gái trở về, lần sau lại tới xin cưới, hứa sẽ giúp đỡ, dạy dỗ chàng trai. Lúc này nhà trai mới đồng ý, cô gái về nhà chuẩn bị cho việc thách cưới của nhà trai. Sau khi đã bàn bạc với họ nhà trai, ông mai, bà mối đưa cho nhà gái bó lạt tượng trưng các vật phẩm được thách cưới, người làm mối về bàn bạc với nhà gái rồi lại thay mặt gia đình đến thông báo với nhà trai. Hai gia đình sau đó ấn định ngày tổ chức lễ cưới. Lễ vật thách cưới của người K’Ho thường gồm con trâu lớn, con trâu nhỏ và một số vật dụng như vải, bình choé, chiếc gùi…
Nghi lễ đám cưới gắn liền số 8
Đến ngày tốt như đã hẹn, ông mai, bà mối, cha mẹ chú rể và họ hàng đến gia đình nhà gái dự đám cưới. Khi đến trước nhà, mọi người lần lượt đá vào con heo để trước nhà (gọi là heo đụng, heo đá vì dùng để đá - PV) với hàm ý rằng hôm nay các Giàng (Trời, thần linh - PV) và mọi người đã chứng kiến đám cưới của chàng trai và cô gái. Về phía nhà gái dùng nước bôi vào chân tay những người trong đoàn nhà trai trước khi mọi người bước vào nhà. Con heo này sẽ được làm thịt để mọi người cùng ăn.
Bố mẹ, người thân tặng quà cô dâu, chú rể. |
Khi vào nhà cô dâu, mọi người ngồi quây tròn giữa nhà trò chuyện. Mở đầu câu chuyện, ông mai chú rể thông báo hôm nay đoàn nhà trai sang nhận đồ cưới như yêu cầu gồm 1 con trâu mẹ, 1 con trâu con, 1 con heo cùng nhiều hiện vật khác. Bà mai bên nhà gái đáp lời cho biết nhà gái đã chuẩn bị đầy đủ lễ vật xin nhà trai hãy nhận lấy con trâu mẹ, con heo và các đồ vật.
“Sau khi trao tặng các lễ vật gồm váy, quần áo, cuốc xẻng, con dao… cho cô dâu, chú rể để có dụng cụ sản xuất, nhà gái chỉ xin nhà trai hãy để lại một con trâu nhỏ cho con cháu chăn dắt sau này; toàn bộ lễ vật như heo, gà cũng giao cho nhà trai mang về, nhà gái chỉ xin lại cái đùi heo”, Nghệ nhân Ưu tú văn hoá cồng chiêng và bảo tồn văn hoá dân gian K’Bes (ngụ tổ dân phố Bồ Liêng, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà) giải thích.
Sau khi thống nhất, hai gia đình cô dâu, chú rể trao nhận lễ cưới rồi bắt đầu nghi thức lễ cưới. Trước tiên là nghi thức khui bình rượu cần, ông mối nhà trai cầm con gà trống đặt lên bình rượu để thực hiện nghi thức, mọi người cùng xúm tay vào với ngụ ý tất cả đều thống nhất cho cô dâu, chú rể thành hôn.
Nhà gái và nhà trai trao cho nhau những sợi dây chuyền như món quà kỷ vật, thể hiện sự ràng buộc, kết nối giữa hai dòng tộc trong hôn nhân. Ông mối sẽ thay mặt nhà trai tặng quà cho cô dâu, thường là chiếc gùi, quả bồng và các dụng cụ lao động sản xuất với mong muốn các con sau này làm ăn no đủ, êm ấm. Bà mối, ông mai sẽ cho cô dâu, chú rể 8 miếng cơm với thịt gà chấm.
Ấn tượng nhất trong lễ cưới là nghi thức trùm chăn, cô dâu, chú rể ngồi quay mặt vào nhau, ông bà mối dùng chiếc khăn dệt lớn (tấm ùi) trùm kín cặp đôi và đọc “cụng đầu nhau một lần, hai lần, tám lần, êm ấm và ngủ ngon, sinh con một trưởng thành một con, sinh con hai trưởng thành hai con, đừng để hư hỏng, mát mẻ như nước, đẹp như mặt trời, sống lâu như cây mẹ rừng, con cái biết ăn nói như cha mẹ, cậu dì”. Họ cùng nhau đặt tay lên chiếc ché cổ mong thần linh chứng giám và chiếc ché đó sẽ cho cô dâu, chú rể làm của hồi môn để ở trong phòng.
Ông mai, bà mối đặt con gà mái lên ché rượu cần để các Giàng chứng kiến cho nghi thức này, con gà này sau được giao cho nhà gái nuôi với mong muốn sinh sôi nảy nở. Sau màn cụng đầu, ông mai, bà mối ngồi hai bên cô dâu, chú rể hát dặn dò rằng, từ nay hai người đã nên vợ, nên chồng, không còn trẻ nữa, không được đi hôm đi đêm, phải lo tu chí làm ăn để có nhiều lúa, nhiều khoai, nhiều thóc mang về cho gia đình.
Dặn dò xong, ông bà mối dẫn cô dâu, chú rể ra cửa, đi 8 vòng tròn, xong bà mối dùng chiếc liềm cắt đứt sợi dây bằng ruột gà ở cửa rồi ném con dao ra cửa. “Theo quan niệm, nếu con gà mái đứng yên trên bình rượu thì đôi vợ chồng trẻ sẽ chung sống hoà thuận. Ruột gà treo ý nói con gà lễ vật đã được làm thịt, ruột gà treo ở đây. Bà mối cắt ruột gà ném cùng chiếc dao ra cửa với mong muốn xui xẻo sẽ qua, điều lành sẽ đến. Từ giây phút này, Giàng đã chứng kiến đám cưới, xác nhận cô dâu, chú rể nên vợ, nên chồng, chàng trai về làm rể bên nhà gái, bà con hai họ tiếp tục hát múa, uống rượu cần đến khi rượu trong bình nhạt thì thôi”, nghệ nhân K’Bes lý giải.
Cũng theo nghệ nhân K’Bes, người K’Ho có quan điểm rất linh hoạt trong đám cưới. Với trường hợp gia đình nhà gái chưa có điều kiện để nộp đủ đồ thách cưới thì có thể cho nợ đến khi nào có thì trả. Hoặc chưa tổ chức được đám cưới thì có thể để đến bao giờ có khả năng thì tổ chức. Và nếu mình chưa tổ chức được thì con mình sau này sẽ tổ chức cho mình, miễn là cô dâu, chú rể đồng lòng về một nhà.