Nên chỉnh sửa sách giáo khoa Tiếng Việt 1 theo hướng nào?

(PLVN) - Hội đồng Quốc gia thẩm định sách giáo khoa (SGK) môn Tiếng Việt lớp 1 bộ sách Cánh Diều sẽ chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung chưa phù hợp. 

Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn có nên chỉnh sửa hay thu hồi sách khi học sinh đã học được gần nửa học kỳ? Và việc ồn ào xung quanh bộ sách này cũng cho thấy sự rủi ro khi xã hội hóa biên soạn SGK.

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu chỉnh sửa sách giáo khoa Tiếng Việt 1 của bộ Cánh Diều. Ảnh minh họa
 Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu chỉnh sửa sách giáo khoa Tiếng Việt 1 của bộ Cánh Diều. Ảnh minh họa

Sẽ chỉnh sửa ra sao?

Trước phản ánh về việc SGK môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều (sách do GS Nguyễn Minh Thuyết chủ biên, Nhà xuất bản ĐH Sư phạm TP HCM phát hành) có một số nội dung chưa phù hợp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã yêu cầu Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK môn Tiếng Việt lớp 1 (Hội đồng thẩm định) rà soát, báo cáo trước ngày 17/10/2020.

Hội đồng Thẩm định đã tổ chức rà soát, làm việc với tác giả SGK môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều. Trên tinh thần cầu thị, trách nhiệm, Hội đồng Thẩm định và tác giả đã thống nhất tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý để chỉnh sửa SGK cho phù hợp hơn. 

Cụ thể, chỉnh sửa, bổ sung ngữ liệu để giáo viên có thể thay thế một số đoạn/bài đọc cho phù hợp hơn với học sinh lớp 1 như bài “Cua, cò và đàn cá” trang 115, bài “Hai con ngựa” trang 157, bài “Lừa, thỏ và cọp” trang 163…; thay thế một số từ ngữ khó hiểu, ít dùng như từ “nhá”, “nom”, “quà… quà”, “chén”…

Hội đồng Thẩm định cũng đề nghị tác giả khi chọn văn bản thay thế không sử dụng truyện ngụ ngôn hoặc các đoạn/bài “đa nghĩa”, nên lựa chọn đoạn/bài trong kho tàng Văn học Việt Nam. Bộ GD&ĐT yêu cầu Nhà xuất bản và tác giả xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính, gửi Hội đồng Thẩm định để thẩm định, báo cáo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xem xét phê duyệt nội dung chỉnh sửa trước ngày 15/11/2020.

Bộ GD&ĐT cũng cho biết, thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT đã phê duyệt 5 bộ SGK (trong đó có bộ sách Cánh Diều), với tổng số 46 quyển SGK lớp 1 của 9 môn học và hoạt động giáo dục để các địa phương, cơ sở giáo dục lựa chọn, đưa vào giảng dạy (SGK môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều là 1 trong số 46 quyển SGK lớp 1 được phê duyệt vừa qua).

Theo Bộ GD&ĐT, quy trình thẩm định sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 được tiến hành chặt chẽ ở các khâu, trong đó có khâu thực nghiệm và lấy ý kiến của Hội đồng Thẩm định Quốc gia.

Về quá trình thẩm định sách giáo khoa (SGK) Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, trong thời gian triển khai theo thời hạn quy định, Bộ GD&ĐT đã tiếp nhận 49 bản mẫu SGK của 9 môn học và hoạt động giáo dục ở lớp 1, từ 3 nhà xuất bản gửi về.

Tháng 7/2019, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thành lập 9 Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Các Hội đồng gồm đầy đủ các thành phần là: Nhà giáo; cán bộ quản lý giáo dục; nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục; đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan, đặc biệt có ít nhất 1/3 tổng số thành viên là nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học tương ứng.

GS Mai Ngọc Chừ - Phó Chủ tịch Hội đồng Thẩm định sách Tiếng Việt lớp 1 cho rằng, khi thẩm định SGK, Hội đồng Thẩm định đã thấy được các vấn đề như dư luận đề cập và đã có khuyến cáo với nhóm tác giả nên thay ngữ liệu - các tác giả vẫn bảo lưu quan điểm của mình. Điều này đã được ghi vào biên bản thẩm định.

Cũng theo GS Mai Ngọc Chừ, khi thẩm định có 3 cấp độ: Chưa phù hợp, phù hợp trung bình và phù hợp cao. Những nội dung chưa phù hợp, Hội đồng Thẩm định sẽ yêu cầu bắt buộc phải sửa chữa. Nội dung phù hợp ở mức trung bình nhưng không sai thì hai bên sẽ trao đổi và Hội đồng tôn trọng ý kiến của nhóm tác giả…

Rủi ro xã hội hóa SGK?

Nhìn lại các mốc: ngày 21/11/2017, Quốc hội ban hành nghị quyết điều chỉnh thời gian triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Thay vì triển khai từ năm học 2018-2019, chương trình, SGK mới sẽ chính thức được triển khai từ năm học 2020-2021.

Đến ngày 27/12/2018, Bộ GD&ĐT chính thức công bố chương trình Giáo dục phổ thông mới. Ngày 22/11/2019, Bộ GD&ĐT họp báo công bố chính thức 32 bản SGK lớp 1 đã được Hội đồng thẩm định phê duyệt. Ngay sau đó, các NXB Giáo dục Việt Nam, NXB Đại học sư phạm TP Hồ Chí Minh lần lượt công bố 5 bộ SGK lớp 1 mới. 

Như vậy, nếu tính từ thời điểm 32 bản mẫu SGK lớp 1 được Bộ GD&ĐT công bố ngày 22/11/2019, các NXB, nhóm tác giả và các cơ sở giáo dục chỉ có 7- 8 tháng để thực hiện quy trình: Lựa chọn, tập huấn giáo viên, tổ chức in ấn, phát hành sách. 

TS. Lê Thống Nhất - Chủ tịch HĐQT Công CP Trường học lớn Việt Nam (BigSchool) - cho rằng, để đảm bảo an ninh SGK, Bộ GD&ĐT cần phải tổ chức, biên soạn một bộ SGK riêng. Theo ông, chính sự “bí mật” của các cuốn SGK là điều không tốt. Nếu như những văn bản SGK được công bố trước công luận sớm hơn, ngoài Hội đồng thẩm định còn có các ý kiến của cộng đồng thì bộ sách sẽ được góp ý trước khi được đưa vào sử dụng.

Vừa qua dư luận bùng nổ là do sự bất ngờ, khi con em học bài phụ huynh nhìn vào mới phát hiện. Vì vậy, đối với SGK lớp 2, lớp 6 đã qua thẩm định vòng 1 rồi nên có cách công bố trước công luận để cùng thẩm định và “nhặt sạn”… Bộ GD&ĐT cũng nên đổi mới Hội đồng thẩm định sách.

“Thực tế có những tác giả rất nổi tiếng viết SGK đã làm đơn xin rút khỏi tác giả viết SGK. Thậm chí, sau một năm đầu tiên, có những bộ sách sẽ không được tổ chức, biên soạn ở các lớp tiếp theo. Như vậy tới chương trình lớp 2, có thể học sinh phải chuyển sang học bộ sách khác. Nếu có một rủi ro nào đó họ có thể sẽ không viết nữa.

Cho nên tôi vẫn ủng hộ quan điểm Bộ GD&ĐT phải có một bộ SGK riêng. Nếu Bộ GD&ĐT không có một bộ SGK riêng thì an ninh sách giáo khoa rất nguy hiểm. Khi SGK bây giờ là do các NXB, các công ty cổ phần tổ chức biên soạn, nếu đến một lớp nào đó, thời điểm nào đó, họ không tổ chức viết sách nữa thì thế nào?”, theo TS. Lê Thống Nhất nói.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương - chuyên gia giáo dục, để có SGK tốt phải chấp nhận thực hiện nghiêm túc cơ chế một chương trình nhiều SGK. Trong đó, Bộ GD&ĐT chỉ nên làm chương trình và xét duyệt bản thảo đăng kí làm SGK. Người trong ban soạn thảo chương trình không được xét duyệt bản thảo SGK hay trở thành chính tác giả của SGK. Người trong các hội đồng thẩm định cũng không được viết SGK.

Theo GS Mai Ngọc Chừ, quá trình thực nghiệm SGK lớp 1 vừa qua quá vội vàng. Quá trình này nếu được Bộ GD&ĐT tổ chức sẽ khách quan và tốt hơn. Năm bộ sách đều được tổ chức thực nghiệm, nhưng thời gian chỉ có vài tháng. GS Nguyễn Minh Thuyết, Chủ biên SGK tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều cũng cho hay, nhóm tác giả sẽ lắng nghe và điều chỉnh những gì chưa hợp lý trong sách. Tuy nhiên, ông mong dư luận hãy bình tĩnh trước khi phán xét.

Chuyên gia giáo dục Phan Hồ Điệp bày tỏ: “Từ hôm trước tới giờ, mình đọc được nhiều ý kiến về ngữ liệu đọc trong SGK Tiếng Việt 1, rằng bài cho học sinh đọc sao mà ngây ngô, trúc trắc rồi sai kiến thức, rồi thiếu gì những câu chuyện hay, nhân văn, đẹp đẽ sao không đưa vào? Có những ý kiến đóng góp của các bạn mình thấy cực kì xác đáng vì nhiều ngữ liệu thiếu “độ đẹp”, thiếu tính nhân văn. Và nữa, một câu hỏi lớn: Bộ sách mới khác/ giống/ có gì ưu việt hơn bộ sách cũ?

Mình nhớ trong cuốn Đối thoại với tương lai của Nguyễn Trần Bạt có một đoạn mình cực kì thích: “Tôi cho rằng, cải cách giáo dục là tổ chức một loạt các công nghệ hợp lý và tổ chức một thái độ hợp lý. Thái độ hợp lý và công nghệ hợp lý đối với chúng ta hiện nay là nhặt nhạnh và vứt bỏ một cách rất yên tĩnh tất cả những yếu tố không còn hợp lý trong nền giáo dục đang có và bỏ vào đấy một cách yên tĩnh những cái mới. Tất cả sự lấy ra và bỏ vào ấy phải đảm bảo tính yên tĩnh của một nền giáo dục, không được làm náo động tâm lý của thầy và trò. Nó thiếu sự yên tĩnh và cũng thiếu sự tôn trọng cần thiết cho nhà trường, cho thầy cô giáo”.

Ai chịu trách nhiệm?

Nhiều ý kiến cho rằng việc để “lọt sạn” thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về tác giả và Hội đồng thẩm định. Thông tư số 33 quy định: Hội đồng quốc gia thẩm định SGK là tổ chức do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thành lập theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở từng cấp học, giúp Bộ trưởng Bộ GD&DT thẩm định sách. Trong khi đó, một chuyên gia giáo dục khác cho rằng, để “lọt sạn” trong SGK Tiếng Việt 1, trước hết tác giả phải chịu trách nhiệm. Nhưng chính bởi Hội đồng thẩm định chỉ dừng lại ở mức khuyến cáo, nên đã đến lúc Bộ GD&ĐT cần “siết” lại quy trình thẩm định, tránh việc “lọt sạn” trong những bộ sách tiếp theo.

Đọc thêm

Bộ Giáo dục 'thúc' sớm công bố tiêu chí xét tuyển lớp 6

Ảnh minh họa
(PLVN) - Bộ GD&ĐT yêu cầu khẩn trương xây dựng và công bố nguyên tắc, tiêu chí xét tuyển vào lớp 6 THCS phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để học sinh, cha mẹ học sinh, giáo viên và các nhà trường hiểu rõ, chủ động trong công tác tuyển sinh.

Các trường 'điểm' tuyển sinh ra sao khi bỏ thi tuyển vào lớp 6?

Ảnh minh họa
(PLVN) - Theo Bộ GD&ĐT, từ 2025, tuyển sinh THCS sẽ được thực hiện theo phương thức xét tuyển. Đối với các trường chất lượng cao, trường tư có tỷ lệ chọi lớn, địa phương có trách nhiệm hướng dẫn các trường thực hiện dựa vào tình hình thực tế trên cơ sở phù hợp nhất.

Giáo dục thích ứng trong kỷ nguyên số

Phụ huynh, học sinh, người lao động cần tìm hướng đi đúng đắn. (Ảnh minh họa - Nguồn: Hocmai)
(PLVN) - Sự bùng nổ của công nghệ, đặc biệt là AI đang định hình lại môi trường làm việc một cách nhanh chóng và nhu cầu về những kỹ năng mới cũng ngày càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030: Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực

Ảnh minh họa
Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030 đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia có hệ thống giáo dục tiên tiến trong khu vực châu Á. Với trọng tâm phát triển toàn diện con người, nâng cao chất lượng giáo dục ở mọi cấp và đẩy mạnh hội nhập quốc tế, chiến lược này đặt nền móng vững chắc cho một xã hội hiện đại, công bằng và văn minh.

Nhìn lại những quyết sách phát triển giáo dục năm 2024

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao đổi về dự thảo Luật Nhà giáo tại Quốc hội. (Ảnh: MOET )
(PLVN) - Xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo, thúc đẩy chuyển đổi số đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hoàn thành chu trình đầu của chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018, kết thúc kỳ thi cuối cùng của CT GDPT 2006... là những dấu ấn nổi bật của ngành Giáo dục năm 2024 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố.

Đi học… hạnh phúc

Cô giáo xuất hiện trong bức ảnh đẹp nhất mùa khai giảng. (Ảnh: NVCC)
(PLVN) - “Người thấy được hạnh phúc của việc học sẽ làm được nhiều việc lớn lao” - là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tại Hội thảo “Hạnh phúc trong giáo dục 2024” do Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) tổ chức.

Những vật dụng cấm mang vào phòng thi tốt nghiệp THPT 2025

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (Ảnh: PV)
(PLVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT ngày 24/12/2024 về Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông, trong đó có quy định rõ về trách nhiệm của thí sinh và những vật dụng không được phép mang vào phòng thi.

Đối tượng nào được miễn thi tốt nghiệp THPT 2025?

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 (Ảnh: PV)
(PLVN) - Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT ngày 24/12/2024 về quy chế thi tốt nghiệp THPT 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định rõ những đối tượng được miễn thi tất cả các môn, miễn thi Ngoại ngữ, miễn thi Ngữ văn trong xét công nhận tốt nghiệp THPT...