Nhằm hướng dẫn nội dung trên của Luật, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Tiếp cận thông tin mà Bộ Tư pháp đang chủ trì xây dựng đã dự kiến quy định theo hướng Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, căn cứ vào cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc và nhu cầu tiếp cận thông tin của công dân đối với thông tin do cơ quan mình tạo ra để quyết định đơn vị đầu mối, cá nhân chuyên trách hoặc kiêm nhiệm làm đầu mối cung cấp thông tin.
Ở địa phương, Chủ tịch UBND các cấp bố trí đơn vị, cá nhân kiêm nhiệm làm đầu mối cung cấp thông tin tại cơ quan. Ngoài ra, Dự thảo Nghị định quy định tiêu chuẩn, điều kiện của người được giao làm đầu mối cung cấp thông tin như có kinh nghiệm tiếp công dân và giải quyết các vấn đề liên quan tới công dân, hiểu biết về pháp luật tiếp cận thông tin; sử dụng thành thạo công nghệ thông tin và các phương tiện, thiết bị chuyên dùng trong công tác lưu trữ, xử lý thông tin.
Tuy nhiên, việc xác định đơn vị, cá nhân làm đầu mối cung cấp thông tin theo quy định của Luật đang nhận được 2 loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị, đối với một số cơ quan cần bố trí cán bộ chuyên trách làm nhiệm vụ đầu mối cung cấp thông tin cho công dân (bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh), còn các cơ quan còn lại bố trí cán bộ kiêm nhiệm làm nhiệm vụ đầu mối cung cấp thông tin cho công dân. Thực hiện theo phương án này sẽ làm tăng biên chế công chức trong điều kiện đang thực hiện theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản bộ máy hành chính và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức song như vậy mới đảm bảo thực thi Luật hiệu quả, thực chất.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, trong bối cảnh hiện nay chỉ nên bố trí hợp lý cán bộ kiêm nhiệm và tăng cường năng lực cho người làm đầu mối cung cấp thông tin kết hợp với tăng cường công khai thông tin trên trang/cổng thông tin điện tử, thiết lập hệ cơ sở dữ liệu khoa học, hợp lý mà không bố trí cán bộ chuyên trách làm nhiệm vụ đầu mối cung cấp thông tin cho công dân. Nếu theo phương án này thì không làm tăng biên chế nhưng phải đồng thời kết hợp các biện pháp khác một cách đồng bộ.
Có điều, thực hiện theo phương án nào cũng có điểm hay, điểm dở của từng phương án. Cụ thể, trường hợp có cán bộ chuyên trách làm đầu mối cung cấp thông tin sẽ bảo đảm tập trung thực hiện nhiệm vụ cung cấp thông tin nhưng một mình cán bộ chuyên trách lại không thể đảm nhiệm được công việc này. Còn nếu không có cán bộ chuyên trách thì công tác phối hợp sẽ khó khăn hơn mà đây luôn là vấn đề “đau đầu” của rất nhiều cơ quan, tổ chức.
Vì vậy, thiết nghĩ Dự thảo Nghị định nên có cơ chế linh hoạt theo hướng giao cho người đứng đầu đơn vị cung cấp thông tin có trách nhiệm phân công cán bộ, công chức tại đơn vị thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý yêu cầu và cung cấp thông tin cho công dân thông qua bộ phận một cửa, một cửa liên thông hoặc bộ phận tiếp công dân; đồng thời bảo đảm điều kiện, chế độ chính sách cho những cán bộ, công chức làm nhiệm vụ này.