Văn bản góp ý gửi Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính cho biết, nhu cầu vốn đầu tư dài hạn thực hiện dự án là 1.199,3 triệu USD, tương đương 28.184 tỷ đồng. Trong trường hợp phương án thu xếp vốn vay 658,92 triệu USD và phương án sử dụng lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2021 - 2025 với số tiền 6.855 tỷ đồng bảo đảm khả thi, nguồn vốn dài hạn cần phải tiếp tục thu xếp để đáp ứng nhu cầu vốn thực hiện dự án là 7.393 tỷ đồng.
Vì vậy, BSR cần giải trình bổ sung về khả năng đáp ứng nhu cầu vốn (từ vốn vay, vốn chủ sở hữu) qua các năm để bảo đảm tính khả thi của phương án thu xếp 7.393 tỷ đồng sau khi làm rõ một số điểm sau:
Thứ nhất, là về việc sử dụng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Thứ hai, là khả năng thu xếp vốn vay. Để bảo đảm tính khả thi về khoản vốn vay, BSR cần tiếp tục làm việc với các tổ chức tín dụng để có văn bản chấp thuận chính thức cho vay, điều khoản về lãi suất cho vay, thời gian cho vay. Thứ ba, Bộ Tài chính cũng đề nghị có phương án thu xếp vốn chủ sở hữu giai đoạn 2021 - 2025.
Về hiệu quả kinh tế và tính khả thi của dự án, theo Bộ Tài chính, trước tiên do chủ đầu tư BSR và PVN có trách nhiệm đánh giá, kiểm soát. Trong đó, PVN, BSR đặc biệt lưu ý tính hợp lý với giả định một số yếu tố ảnh hưởng trọng yếu tới mô hình tài chính, hiệu quả kinh tế của dự án như: chi phí tài chính trong mối tương quan với phương án cân đối vốn đầu tư; khả năng các chi phi triển khai dự án tăng do chậm trễ giải ngân nguồn vốn; dự báo về biên độ lợi nhuận lọc dầu, rủi ro lạm phát, chi phí nguyên vật liệu... ảnh hưởng tới thời gian hoàn vốn, có lãi của dự án.
Với nội dung giải phóng mặt bằng, sử dụng đất để thực hiện dự án, Bộ Tài chính cho rằng, trường hợp trong phần diện tích đất thực hiện dự án có đất, nhà, công trình gắn liền với đất thuộc đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Nghị định 167/2017/NĐ-CP, 67/2021/NĐ-CP thì phải thực hiện sắp xếp lại, xử lý theo quy định.