Nâng cao ý thức pháp luật về giao thông cho trẻ em: Vai trò của hoạt động ngoại khóa

Một số hình ảnh học sinh điều khiển xe vi phạm luật giao thông.
Một số hình ảnh học sinh điều khiển xe vi phạm luật giao thông.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trẻ em cũng cần được trang bị kiến thức về quy tắc giao thông đường bộ, kỹ năng lái xe tốt để tự đảm bảo an toàn cho bản thân và người xung quanh khi tham gia giao thông.

“Thót tim” gặp trẻ chạy xe ngoài đường

Hiện nay, số trẻ em, thanh, thiếu niên điều khiển các phương tiện giao thông như xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện có xu hướng gia tăng. Nhưng nhiều hình ảnh mất an toàn giao thông liên quan cũng thường xuyên xuất hiện trên đường, như: dàn hàng ngang, không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh vượt ẩu, sang đường không xi nhan, không tuân thủ đèn tín hiệu, đi ngược chiều... Nhiều trường hợp gây “thót tim” cho những người tham gia giao thông khác.

Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, đáng quan tâm hàng đầu là những “khoảng trống” trong quản lý, giáo dục trẻ em cách giữ an toàn giao thông cho bản thân và người xung quanh. Những vụ tai nạn thương tâm liên quan đến trẻ em đều là những bài học cảnh tỉnh đối với các bậc phụ huynh, nhà trường và toàn xã hội.

Đơn cử, vụ va chạm giữa xe tải và xe đạp điện tại ngã tư gần cầu Phong Thạnh, xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định vào ngày 13/3 đã khiến 2 em học sinh điều khiển xe đạp điện tử vong. Công an huyện Hoài Ân đã kiểm tra về nồng độ cồn và ma túy đối với tài xế xe tải nhưng không phát hiện nồng độ cồn và ma túy.

Đầu năm, dư luận cũng xôn xao vụ tai nạn ngày 4/1 tại xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP HCM: 3 nữ sinh lớp 9 chở nhau trên xe đạp điện thì va chạm với xe tải chạy cùng chiều, hậu quả 1 em tử vong, 2 em phải cấp cứu.

Những trường hợp tai nạn giao thông đáng tiếc trên đã góp thêm lời cảnh báo đến các phụ huynh khi trang bị xe cho con đi ra đường. Đáng lo ngại nữa là nhiều trẻ, thanh, thiếu niên không có hoặc hiểu biết kém về quy tắc giao thông đường bộ, ngang nhiên vi phạm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.

Trong khi đó, công tác tuyên truyền các quy định về an toàn giao thông cho trẻ em trong các gia đình, trường học thường không được thực hiện liên tục.

Giáo dục ý thức pháp luật cho trẻ

Theo quy định hiện hành, lực lượng chức năng chỉ nhắc nhở, không xử phạt vi phạm trật tự an toàn giao thông đối với trẻ từ 7 đến dưới 14 tuổi; phạt cảnh cáo đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự mô tô hoặc điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự ô tô; phạt cảnh cáo là mức cao hơn nhắc nhở nhưng không được phép xử phạt tiền hoặc tạm giữ phương tiện. Người từ 16 - 18 tuổi vi phạm mới bị xử phạt nhưng mức phạt tiền bằng 50% quy định chung.

Tuy nhiên, thực tế triển khai công tác xử lý, răn đe đối với những trẻ có hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ đang còn khó khăn. Đơn cử, với trường hợp trẻ dưới 14 tuổi đi xe máy của cha mẹ hoặc đi xe máy điện, xe đạp điện nhưng đua xe, lạng lách, đánh võng, phóng nhanh, vượt ẩu: lực lượng Cảnh sát giao thông nếu bắt giữ được cũng chỉ tuyên truyền, giáo dục, gọi phụ huynh đến nhắc nhở, không xử phạt. Điều này có thể khiến một số trẻ tiếp tục vi phạm nếu không có sự giám sát từ phụ huynh.

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, trẻ em từ 5 tuổi trở lên điều khiển phương tiện xe đạp đã được chỉ dạy bài bản để trẻ tự tránh được nguy cơ bị chấn thương hoặc tai nạn nghiêm trọng. Hơn nữa, nếu được giáo dục từ nhỏ, trẻ sẽ ghi nhớ và hình thành thói quen tốt, tự giác tuân thủ đúng các quy định giao thông. Ngoài ra trẻ em cũng sẽ biết phê phán những hành vi vi phạm, biết giúp đỡ và chia sẻ với người gặp tai nạn trên đường…

Trong các mô hình tuyên truyền giáo dục cho trẻ em về đảm bảo an toàn giao thông, rất cần các hoạt động, sáng kiến hữu ích. Như Hội thi “Bé với giao thông” dành cho trẻ 5 tuổi cấp tỉnh năm học 2022 - 2023, thuộc các trường mầm non, mẫu giáo công lập và tư thục ở tỉnh Bạc Liêu. Cuộc thi do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bạc Liêu phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh tổ chức trong hai ngày 23 - 24/3. Hội thi có sự góp mặt của 70 thí sinh “nhí” đến từ 7 huyện, thị xã và TP Bạc Liêu được tuyển chọn từ hội thi cấp trường, cấp huyện. Hội thi tạo ra sân chơi bổ ích giúp trẻ em trên địa bàn làm quen, tìm hiểu kiến thức về an toàn giao thông, đồng thời cũng là cơ hội cho các bậc phụ huynh và nhà trường cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trách nhiệm trong việc giáo dục ý thức tham gia giao thông an toàn cho trẻ em.

Nhiều ý kiến cho rằng, những hoạt động ngoại khoá như vậy cần được lan toả rộng rãi và tổ chức thường xuyên hơn, để công tác xây dựng và nâng cao ý thức pháp luật về giao thông cho trẻ nhỏ đạt hiệu quả thực chất hơn, góp phần tạo dựng thế hệ người tham gia giao thông am hiểu và có ý thức tuân thủ pháp luật tốt.

Đọc thêm

Cảnh sát giao thông Hà Nội: Triển khai mô hình 'Ngã tư an toàn giao thông'

CSGT sẽ đẩy mạnh xử lý các lỗi không chấp hành hệ thống biển báo, vạch kẻ đường. (Ảnh: Trường Thắng)
(PLVN) - Theo đại diện Phòng Cảnh sát giao thông - CSGT (Công an TP Hà Nội), hiện nay tại một số nút giao trọng điểm trên các tuyến trục chính ra, vào TP, tình trạng lộn xộn, thiếu an toàn vẫn diễn ra. Mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" được triển khai để góp phần giải quyết tình trạng này.

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện
(PLVN) - Trên công trình xây dựng sân bay Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai) hiện có gần 4.000 kỹ sư, công nhân trong nước và quốc tế, gần 2.000 máy móc, phương tiện, trang thiết bị thi công đang ngày đêm làm việc với mục tiêu cao nhất là đẩy nhanh tiến độ để hoàn hoàn thành trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc mới đây.

Đề xuất hợp lý của Cục Cảnh sát giao thông

Ảnh minh họa
(PLVN) - Chạy xe trên đường, nếu xao nhãng chỉ 1 giây, là có thể tàn cả 1 đời. Nếu vượt đèn đỏ, hậu quả còn có thể nguy hại hơn, thảm khốc hơn. Thế nhưng mới đây, một camera giao thông tại Hà Nội ghi lại được cảnh 164 lượt phương tiện vượt đèn đỏ ở một ngã tư chỉ trong 2 phút. Đó là một thực tế vô cùng đáng báo động, không chỉ xảy ra ở Hà Nội, mà còn ở một số địa phương khác.