Phương thức tuyên tuyền được kết hợp linh hoạt, lồng ghép nhiều nội dung, phù hợp với điều kiện sống và làm việc của các đối tượng này dưới nhiều hình thức như tuyên truyền miệng, qua tài liệu, qua các hoạt động ở cơ sở. Đặc biệt là công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng đã phát huy được sức mạnh truyền thông, tạo sức hút đông đảo và có sức mạnh lan toả trong đội ngũ công nhân, người lao động.
Đà Nẵng hiện có 6 khu công nghiệp với gần 300 doanh nghiệp đang hoạt động là nơi làm việc của khoảng 80.000 công nhân. Hàng năm, công tác tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người sử dụng lao động và người lao động trong các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn thành phố được địa phương đặc biệt chú trọng. Còn tại Quảng Ninh, các cuộc tuyên truyền, phổ biến các chính sách pháp luật của Nhà nước cho công nhân lao động và người sử dụng lao động cũng rất được quan tâm. Tỉnh đã duy trì Chuyên mục “Hỏi đáp pháp luật” trên Báo Quảng Ninh hàng tháng; tuyên truyền pháp luật trên sóng phát thanh, truyền hình với chương trình “Sau giờ thứ 8”… Ngoài ra, tỉnh đã biên soạn và phát hành hơn 10.000 cuốn sổ tay, tài liệu bỏ túi về pháp luật lao động, xây dựng tủ sách pháp luật, mỗi tủ có từ 100-150 đầu sách về pháp luật.
Đặc biệt, tỉnh còn tổ chức nhiều buổi tuyên truyền và tư vấn pháp luật lưu động tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu nhà trọ công nhân. Các hoạt động tuyên truyền thường được tổ chức vào giờ tan ca, nghỉ giữa ca, tại doanh nghiệp và khu nhà trọ. Nhiều nơi, cán bộ công đoàn xuống tận khu nhà trọ vừa nắm bắt tình hình tư tưởng, vừa tuyên truyền pháp luật và nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình của công nhân, người lao động.
Cũng triển khai Đề án này, tỉnh Sơn La chú trọng tới việc tổng hợp nhu cầu, nhận thức về chấp hành pháp luật của người lao động và người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở đó xây dựng các biện pháp tuyên truyền phù hợp. Theo đó, đã biên soạn và cấp phát các tài liệu về pháp luật lao động và các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; quyền, nghĩa vụ của công dân, người lao động và người sử dụng lao động; đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người lao động tại một số địa phương còn gặp những khó khăn như: nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với việc tổ chức các buổi tuyên truyền cho công nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài; nhiều chủ sử dụng lao động chưa nắm bắt được tâm tư, tình cảm và nguyện vọng từ phía người lao động mà chỉ tổ chức các buổi tuyên truyền mang tính chất đối phó.
Do vậy, để các chính sách pháp luật đến được với nhiều công nhân lao động hơn nữa, cần tăng cường xây dựng mối quan hệ phối kết hợp giữa các cơ quan, đơn vị, công đoàn ngành. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền cần chỉ đạo các cơ quan chức năng địa phương tích cực kiểm tra, thanh tra và kiên quyết xử lý các vi phạm về thực hiện pháp luật lao động. Cùng với đó, chú trọng đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên truyền viên chất lượng, am hiểu các vấn đề về chính sách pháp luật để từ đó tuyên truyền cho công nhân lao động hiểu và thấm nhuần chính sách pháp luật của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay.