Quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết nêu rõ, việc quản lý, khai thác, huy động, phân bổ, sử dụng và phát huy có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế cho phát triển đất nước là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân. Đây là yêu cầu cấp bách trong tình hình hiện nay để khắc phục các tồn tại, yếu kém của nền kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước theo các mục tiêu Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra.
Nghị quyết 39 đã đề ra nhiều mục tiêu cụ thể. Trong đó, đối với nguồn nhân lực, đến năm 2025 phấn đấu tỉ trọng lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản dưới 33% tổng số lao động của cả nước. Khắc phục cơ bản tình trạng mất cân đối cung - cầu nhân lực trong nền kinh tế; thiết lập hệ thống sắp xếp công việc dựa trên vị trí việc làm, củng cố hệ thống chức nghiệp thực tài.
Đối với nguồn vật lực, đến năm 2025 hoàn thiện đồng bộ hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, công cụ thúc đẩy quản lý, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản phù hợp với thực tế quy mô và hiệu quả đầu tư. Xây dựng mới và duy trì vận hành mạng lưới trạm quan trắc tài nguyên môi trường hiện có.
Hình thành hệ thống cơ sở vật chất và hạ tầng kinh tế - xã hội tương đối đồng bộ, hiện đại. Hoàn thành dứt điểm các công trình có tính chất cấp bách, trọng tâm, trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cấp hạ tầng kết nối giữa các vùng, miền trong cả nước và kết cấu hạ tầng đô thị.
Để đạt được mục tiêu trên, một trong các nhiệm vụ, giải pháp chung là sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để khơi thông, giải phóng tối đa và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực hiện có, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý, khai thác và sử dụng các nguồn lực của đất nước.
Cùng với đó, cơ cấu lại nền kinh tế, ngành, vùng và sản phẩm chủ yếu theo hướng hiện đại, phát huy lợi thế so sánh và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tập trung các nguồn lực phát triển những sản phẩm có lợi thế so sánh, sức cạnh tranh, giá trị gia tăng cao và có thị trường tiêu thụ.
Chủ động nắm bắt cơ hội, tận dụng tối đa thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Trước mắt cần nghiên cứu thấu đáo nội hàm, phương thức vận hành và tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; định hướng nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cụ thể vào một số ngành, lĩnh vực, địa bàn để chủ động hội nhập và hoà chung vào dòng chảy của cuộc cách mạng công nghiệp này...
Đồng thời, Nghị quyết cũng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đối với từng nguồn lực. Theo đó, đối với nguồn nhân lực, phải nâng cao nhận thức, hoàn thiện thể chế về phát triển, quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực Việt Nam; đổi mới công tác quản lý, sử dụng, đánh giá và đào tạo nguồn nhân lực; hoàn thiện thể chế phát triển thị trường lao động hoạt động hiệu quả.
Đối với nguồn vật lực là tài nguyên thiên nhiên: chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đa dạng hoá nguồn lực phòng, chống thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Sửa đổi, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách tạo khung khổ pháp lý điều chỉnh hạn điền, thực hiện tích tụ tập trung ruộng đất để cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển các vùng thâm canh, chuyên canh nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao; phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.
Rà soát diện tích đất và tình hình đất đã giao cho các chủ sử dụng, nhất là các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước quy mô lớn. Xử lý triệt để bất cập trong quản lý, sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp, nhất là tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng, chuyển mục đích, cho thuê, cho mượn, giao khoán trái pháp luật...