Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Việt Nam đã có 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trở thành một thành phần kinh tế quan trọng, đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Việc Ban Cán sự Đảng Chính phủ chủ trì xây dựng Đề án về thu hút FDI để trình Bộ Chính trị thông qua bằng một Nghị quyết chuyên đề có ý nghĩa quan trọng, tạo cơ sở để thu hút FDI có chọn lọc, phù hợp với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát huy lợi ích và hạn chế những bất cập của FDI…
Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến, báo cáo tổng kết của các bộ, ngành, địa phương và góp ý của Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Bộ KH&ĐT đã xây dựng dự thảo Đề án, đề cập về 10 đóng góp chủ yếu và 6 hạn chế bất cập của khu vực FDI tới nền kinh tế trong nước.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá dự thảo Đề án đã liệt kê được nhiều vấn đề liên quan tới FDI nhưng chưa nêu bật được những nội dung “then chốt” liên quan đến thực trạng, xu hướng phát triển của khu vực FDI, đặt ra nền tảng thu hút lĩnh vực này trong giai đoạn tới.
Phó Thủ tướng cho rằng dư luận xã hội đang có “cảm giác” là có sự lệch pha giữa khu vực FDI và khu vực trong nước, đến mức một số chuyên gia đã nói “có 2 nền kinh tế trong 1 đất nước”. Hay như nhận định Nhà nước ưu đãi quá mức cho FDI mà để doanh nghiêp trong nước lép vế. Do vậy, các bộ, ngành phải nhận định rõ các nội dung này để thiết lập quan điểm, giải pháp trong thu hút FDI, tăng cường nội lực khu vực kinh tế bản địa và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự cường.
Phó Thủ tướng khẳng định, Đề án của Bộ Chính trị không phải để xác lập chủ trương mà là hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút FDI, định hướng khắc phục hệ thống pháp luật về thuế, doanh nghiệp, đầu tư, sử dụng đất đai... và các nghị định hướng dẫn thi hành Luật.