Vượt thẩm quyền
Phát biểu tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Thuế TP HCM, ông Đặng Ngọc Tâm cho biết, trong năm 2018, cơ quan thuế TP đã ban hành 45.986 quyết định cưỡng chế thuế. Tuy nhiên số nợ đến cuối năm vẫn đang ở mức gần 8.500 tỷ đồng.
2 điển hình được đại diện Cục Thuế TP HCM nêu ra là việc truy thu, cưỡng chế thuế của Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tập đoàn Unilever Việt Nam đến nay vẫn chưa xong.
Trước đó Cục Thuế TP HCM đã thông báo về số tiền chậm nộp thuế và tiền nộp vi phạm hành chính của Sabeco là hơn 3.140 tỷ đồng, bao gồm tiền chậm nộp thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 2007 đến 2015 hơn 2.645 tỷ đồng, tiền phạt vi phạm hành chính hơn 494 tỷ đồng.
Do Sabeco không nộp thuế theo thông báo nên Cục Thuế TP HCM đã ra quyết định cưỡng chế nộp phạt. Sau đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính và UBND TP HCM chỉ đạo Cục Thuế TP HCM chưa thực hiện cưỡng chế Sabeco. Trên cơ sở này, Cục Thuế TP HCM đã ra quyết định dừng thực hiện cưỡng chế thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của Sabeco.
Với trường hợp của Unilever Việt Nam, trước đó, Kiểm toán Nhà nước đã có công văn đề nghị Tổng cục Thuế có biện pháp truy thu thuế với Unilever số tiền 575 tỷ đồng do trong khoảng thời gian từ năm 2009 tới năm 2013, Unilever đã phát triển sản xuất, đầu tư mở rộng nên không được ưu đãi thuế thu nhập DN theo quy định.
Trên cơ sở kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, Cục Thuế TP HCM nhiều lần gửi công văn cho Unilever yêu cầu cung cấp thông tin về tài khoản để thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản theo quy định.
Tuy nhiên phía Unilever đã có văn bản kiến nghị gửi lên Thủ tướng. DN này kiến nghị không thực hiện cưỡng chế DN để chờ kết luận của Chính phủ. “Xung quanh việc nợ thuế của Sabeco và Unilever Việt Nam, chúng tôi kiến nghị Tổng cục Thuế có ý kiến chỉ đạo cụ thể vì vấn đề này ngoài tầm quản lý của Cục Thuế TP HCM” - đại diện Cục Thuế TP HCM kiến nghị.
Chuyển giá xuất hiện nay từ khâu đầu tư
Báo cáo của Tổng cục Thuế cho biết, trong năm 2018, thanh tra, kiểm tra thuế đạt 100,81% kế hoạch với tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 17.302 tỷ đồng, giảm khấu trừ là 1.978 tỷ đồng, giảm lỗ là 34.411 tỷ đồng.
Trong đó, thanh tra, kiểm tra được 593 DN có hoạt động giao dịch liên kết; truy thu, truy hoàn và phạt 1.637,88 tỷ đồng; giảm lỗ 4.808 tỷ đồng; điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 7.291,72 tỷ đồng.
Theo Cục trưởng Cục Thuế TP HCM Trần Ngọc Tâm, khó khăn nhất vẫn là thanh tra, kiểm tra đối với các DN có giao dịch liên kết và đề xuất mua cơ sở dữ liệu để phục vụ việc thanh tra giá chuyển nhượng.
Ngoài ra, lãnh đạo Cục Thuế TP HCM cũng cho rằng thời gian thanh tra giá chuyển nhượng chỉ 30 ngày như quy định hiện tại là không đủ, mà cần đề nghị tăng thời gian để tương xứng với độ phức tạp của đối tượng thanh tra này.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, dự án Luật Quản lý thuế sửa đổi sẽ được trình Quốc hội năm nay. Trong dự án Luật này, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu quản lý giao dịch liên kết, tăng cường chống chuyển giá theo thông lệ quốc tế và quản lý thuế trên cơ sở rủi ro.
Phó Thủ tướng cũng cảnh báo về thực tế chuyển giá ngay từ khâu đầu tư. Phó Thủ tướng đặt câu hỏi: DN đăng ký đầu tư 5-10 tỷ USD thì ai xác nhận? “Nếu không kiểm tra, giám sát thì khoản đó sẽ vào khấu hao, chi phí, nếu là ngoại tệ thì còn chênh lệch tỷ giá. Ta phải có trách nhiệm…” - Phó Thủ tướng nói.