Quy định về kiểm sát hoạt động THADS được quy định tại một số văn bản như: Luật Tổ chức VKSND năm 2014, Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Quy chế 810 ngày 20/12/2016 của VKSND Tối cao về kiểm sát THADS, thi hành án hành chính…
Tuy nhiên, công tác kiểm sát việc xác minh điều kiện THADS hiện nay vẫn còn một số sai sót, vi phạm thường gặp như: Hết thời hạn tự nguyện nhưng Chấp hành viên không tiến hành xác minh; không thông báo kết quả xác minh cho người được thi hành án; văn bản ủy quyền xác minh sơ sài, không đôn đốc khi có ủy quyền xác minh; không xác minh ở cơ quan chức năng đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu; không tiến hành xác minh lại; từ chối cung cấp thông tin nhưng không có văn bản trả lời cho cơ quan THADS; không xác minh khi người được thi hành án chết…
Do vậy, để nâng cao hiệu quả kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án, Kiểm sát viên cần nắm chắc quy định của pháp luật cũng như nắm rõ thẩm quyền của Viện kiểm sát trong kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án.
Đặc biệt, cần thường xuyên cập nhật văn bản pháp luật liên quan đến xác minh điều kiện thi hành án, về thời hạn xác minh như hết thời hạn tự nguyện thi hành án, thời hạn xác minh đối với người chấp hành hình phạt tù hoặc không xác minh được địa chỉ của người phải thi hành án…
Song song với đó, cần có những biện pháp để kịp thời phát hiện vi phạm của Chấp hành viên trong việc xác minh điều kiện thi hành án. Luật THADS hiện nay chỉ quy định cơ quan THADS phải gửi cho Viện kiểm sát các quyết định về thi hành án mà không quy định gửi tài liệu xác minh điều kiện thi hành án.
Do đó, muốn kiểm sát được kết quả xác minh, Kiểm sát viên phải chủ động nắm bắt được thông tin qua nhiều nguồn như: qua hoạt động nghiệp vụ của VKSND, các cơ quan hữu quan, nguồn tin do nhân dân cung cấp; qua kiểm sát hồ sơ thi hành án, hồ sơ bán đấu giá tài sản; từ đơn thư khiếu nại, tố cáo về THADS hoặc kiểm sát hồ sơ kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về THADS...
Khi kiểm sát việc xác minh đối với các loại tài sản như ô tô, tàu thuyền, xe máy… là những loại tài sản phải đăng ký quyền sở hữu thì ngoài yêu cầu cơ quan quản lý cung cấp thông tin về chủ sở hữu, cơ quan kiểm sát cần phải làm việc với người phải thi hành án xem tài sản đó hiện do ai quản lý, nếu đã chuyển nhượng thì chuyển nhượng khi nào, lý do chưa làm thủ tục sang tên.
Sau khi biết được người nhận chuyển nhượng, phải tiến hành làm việc với người đang quản lý tài sản để xác minh làm rõ việc mua bán là ngay tình hay tẩu tán tài sản. Chỉ khi nào xác minh làm rõ tài sản mới được ra các quyết định tiếp theo, tránh tình trạng chỉ mới xác minh ở cơ quan quản lý đã ra quyết định kê biên tài sản…
Khi kiểm sát việc xác minh tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, Kiểm sát viên cần phân biệt rõ diện tích đất đó là đất cấp hay đất mua. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp đứng tên cá nhân, đứng tên vợ, chồng, cấp cho hộ gia đình thì việc kiểm sát xác minh cần làm chặt chẽ, phải có biên bản xác minh đối với từng thành viên trong gia đình và người liên quan (nếu có) nhằm bảo đảm trước khi tiến hành kê biên, bán đấu giá tài sản đó không còn tranh chấp…
Đặc biệt, Viện kiểm sát các cấp cần phối hợp với cơ quan THADS trong việc cung cấp thông tin, tài liệu về xác minh điều kiện thi hành án để tiến hành kiểm sát. Viện kiểm sát cần thường xuyên liên hệ với cơ quan THADS để họ cung cấp các biên bản mới lập khi xác minh để tiến hành kiểm sát. Thông qua đó sẽ phát hiện kịp thời các vi phạm, những mâu thuẫn, những việc cần xác minh để đề ra yêu cầu cần xác minh.
Còn đối với các đơn vị trong ngành kiểm sát, cần thực hiện tốt sự phối hợp ngang cấp và cấp dưới, kịp thời báo cáo VKSND cấp trên trực tiếp để nhận được quan điểm chỉ đạo, từ đó nghiên cứu, vận dụng nhằm kiểm sát THADS hiệu quả, đúng pháp luật.