Môi trường tốt để trưởng thành
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, nhiều vị trí lãnh đạo các đơn vị thuộc Tổng cục THADS đã được điều động về địa phương giữ vị trí chủ chốt (Cục trưởng, Phó Cục trưởng) của các Cục THADS. Đơn cử, Chánh Văn phòng Tổng cục THADS về Thái Nguyên làm Cục trưởng THADS; một Phó Vụ trưởng Vụ nghiệp vụ 3 Tổng cục THADS được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh Hưng Yên; một Phó Vụ trưởng Vụ nghiệp vụ 1 Tổng cục THADS được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh Nam Định…
Còn trước đó, nhiều địa phương cũng tiếp nhận nhiều lãnh đạo các đơn vị thuộc Tổng cục THADS về làm Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục THADS như Khánh Hòa, Cao Bằng, Hưng Yên, Hải Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hà Nội, Bắc Giang, Lạng Sơn, Lào Cai… Còn ở địa phương, việc điều động, luân chuyển các bộ từ các Cục THADS về các Chi cục và ngược lại cũng được quan tâm, thực hiện thường xuyên.
Có thể nói, luân chuyển cán bộ cơ quan THADS là một chủ trương lớn trong công tác cán bộ của ngành, qua thời gian thực hiện đã mang lại những kết quả rõ nét. Trước hết, đó là việc cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, rèn luyện cán bộ qua môi trường thực tiễn.
Đồng thời, tăng cường năng lực, kiện toàn bộ máy tổ chức, cán bộ cho cơ sở. Việc điều động luân chuyển cán bộ về địa phương cũng tạo điều kiện cho người được điều động, luân chuyển có một môi trường tốt cọ sát với thực tiễn, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo kế cận cho tương lai.
Thực tế ở các cơ quan THADS có cán bộ được điều động, luân chuyển về cho thấy, công tác THADS có nhiều chuyển biến, hoạt động ổn định, nền nếp, nội bộ đoàn kết. Đặc biệt, việc luân chuyển cán bộ về những địa bàn có lượng án lớn, khó khăn, phức tạp, những địa bàn còn nhiều yếu kém về công tác tổ chức cán bộ, chỉ đạo, điều hành… đã khẳng định chủ trương điều động, luân chuyển cán bộ là đúng đắn, cần thiết.
Nhiều cán bộ trẻ đi luân chuyển đã phát huy được khả năng, sức sáng tạo, tạo ra “làn gió mới” trong các cơ quan THADS, góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao. Mặt khác, việc tăng cường cán bộ cho những nơi khó khăn cũng khắc phục tình trạng cục bộ, địa phương khép kín trong thực hiện nhiệm vụ do cán bộ giữ một chức vụ khá lâu hoặc bố trí chưa phù hợp với năng lực, sở trường công tác.
Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của công tác này nên thời gian qua công tác phối hợp giữa Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS, Cục THADS với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Huyện ủy, UBND các cấp luôn được Ban Cán sự, lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS luôn được quan tâm, chú trọng. Vì thế, công tác điều động, luân chuyển cán bộ THADS được thực hiện bài bản, nền nếp, nhận được sự đồng thuận cao của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Có chính sách để cán bộ THA yên tâm công tác
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo THADS còn nhiều khó khăn. Nguyên là Phó Chánh Văn phòng Tổng cục THADS được điều động, bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục THADS Cao Bằng, ông Đặng Văn Huy cho rằng, được về cơ sở, cọ sát với môi trường thực tiễn là cơ hội rất tốt để trưởng thành, đặc biệt là tích lũy những kinh nghiệm từ thực tiễn, trong chỉ đạo điều hành, quản lý cơ quan THADS địa phương…
Tuy nhiên, theo ông Huy, Cao Bằng là một địa phương xa xôi, còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng các chính sách hỗ trợ cho công tác THADS nói chung, cá nhân cán bộ được điều động, luân chuyển nói riêng “hầu như chưa có gì”. Do đó, rất khó khăn trong đời sống và công việc.
Chung quan điểm, ông Vũ Hoàng Thụ, Cục trưởng Cục THADS Hưng Yên cũng cho rằng, việc chưa có chế độ chính sách cho cán bộ THADS khi được điều động, luân chuyển cũng làm ảnh hưởng ít nhiều đến công tác chuyên môn. Đơn cử như một cán bộ về địa phương trong khi chưa có chế độ hỗ trợ nhà công vụ, hay các chế độ hỗ trợ khác buộc họ phải “tự thân vận động” hoặc cơ quan THADS địa phương nơi đến tạo điều kiện.
Khó khăn thứ nữa mà bất cứ cán bộ TW nào về địa phương cũng phải có thời gian làm quen với công việc mới, bởi THADS là công việc đòi hỏi sự quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp của các cơ quan chức năng. Do đó, người được điều động luân chuyển phải nhanh chóng thích nghi với công việc, tạo mối quan hệ ở địa phương.
Bên cạnh đó, sau thời gian luân chuyển, bố trí công việc, vị trí cho cán bộ được luân chuyển trở về như thế nào để phát huy được năng lực, sở trường, kinh nghiệm thực tiễn cũng là vấn đề quan trọng.
THADS là lĩnh vực khó khăn, phức tạp, trong bối cảnh lượng án ngày càng tăng cao ở các địa phương, thì việc điều động, luân chuyển cán bộ THADS từ TW về địa phương, từ tỉnh về huyện vẫn là việc làm hết sức cần thiết. Tuy nhiên để cán bộ THADS được điều động, biệt phái yên tâm công tác, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao thì cần nghiên cứu có chế độ, chính sách hỗ trợ thỏa đáng.