Báo cáo việc phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị một số nội dung thực hiện tổng kết Nghị quyết số 48-NQ/TW, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến cho biết, Vụ đã tham mưu cho Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp chuẩn bị ý kiến của Chính phủ góp ý vào dự thảo kế hoạch công tác chuẩn bị Đề án tổng kết Nghị quyết số 48; tham mưu để Bộ có văn bản 557/BTP-VĐCXDPL gửi Đảng đoàn Quốc hội góp ý vào dự thảo kế hoạch công tác chuẩn bị Đề án tổng kết Nghị quyết số 48. Trong thời gian qua, khi Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khi tiến hành các hoạt động xây dựng các tài liệu phục vụ cho việc tổng kết Nghị quyết số 48, Vụ đã phối hợp cho ý kiến góp ý nhiều lần vào các tài liệu tổng kết (kế hoạch tổng kết, đề cương, phụ lục…).
Cũng theo ông Tuyến, do thời gian chuẩn bị việc tổng kết rất ngắn (thời hạn Ban Cán sự Đảng Chính phủ phải gửi báo cáo về Ban Chỉ đạo chậm nhất là ngày 31/8/2019) nên Vụ đã chủ động xây dựng các tài liệu tổng kết thuộc phía Chính phủ, kế hoạch tổng kết của Bộ Tư pháp kèm theo các đề cương, phụ lục để các đơn vị báo cáo. Sau phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết Nghị quyết số 48, Vụ sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan chỉnh lý các tài liệu để báo cáo Lãnh đạo Bộ và xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan.
Thay mặt các đơn vị có liên quan, ông Tuyến kiến nghị Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị xây dựng pháp luật, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Viện Khoa học pháp lý và các đơn vị khác phối hợp chặt chẽ với Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật chuẩn bị các nội dung tổng kết. Tuy nhiên, theo ông Tuyến, việc tổng kết và xây dựng báo cáo của Bộ Tư pháp không nên thành lập Ban Chỉ đạo hay nhóm giúp việc.
Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Nguyễn Văn Cương đề xuất, trong các nội dung tổng kết cần có thêm cách nhìn của các tổ chức quốc tế về chất lượng hệ thống pháp luật Việt Nam. Đồng thời, ngoài các tiêu chí đánh giá chất lượng gồm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi cũng cần đề cập đến tính công khai, minh bạch và bổ sung tiêu chí ổn định, dễ tiếp cận, giảm chi phí tuân thủ pháp luật.
Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Đồng Ngọc Ba cho biết, hiện cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật có nhiều nguồn khác nhau do các cơ quan khác nhau quản lý như công báo, cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, bộ pháp điển. Tuy nhiên, để người dân dễ tiếp cận thì nguồn lực lại đang phân tán, tốn kém và không hiệu quả. Vì vậy, cần kiến nghị nên tập trung nguồn lực thì hệ cơ sở dữ liệu này chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả hơn, tốt hơn. Riêng trong công tác kiểm tra thì “hậu kiểm” cũng còn một số vấn đề, trong đó có việc thiếu cơ chế giám sát đối với một số loại văn bản.
Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế Nguyễn Thanh Tú đề nghị nên tính toán kế thừa kết quả sơ kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48, các Nghị quyết Đại hội Đảng cũng như gắn tổng kết Nghị quyết số 48 với sơ kết 5 năm thi hành Hiến pháp 2013, Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 2021 – 2030. Về 8 chủ thể thực hiện tổng kết, có thể chỉ “khoanh” với Quốc hội và Chính phủ hoặc mở rộng cơ quan Tòa và Viện nhằm tập trung hơn nguồn lực.
Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính Đỗ Đức Hiển cũng kiến nghị tính đến việc tổng kết Nghị quyết số 48 với Nghị quyết số 49, tổng kết Chiến lược cải cách hành chính để đảm bảo triển khai đồng bộ các chủ trương này trong giai đoạn mới, không tạo sự cắt khúc. Bên cạnh đó, cần đánh giá toàn diện thành tựu của hệ thống pháp luật, chứ không chỉ trong từng lĩnh vực…
Đáng chú ý, một trong những kiến nghị được đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan tập trung nêu lên chính là về công tác tổ chức thi hành pháp luật. Bàn thêm về vấn đề này, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật Đặng Thanh Sơn cho rằng, cần đánh giá vai trò, sự liên thông giữa thực thi pháp luật với xây dựng, hoàn thiện pháp luật, quay lại hỗ trợ công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật như thế nào. Bởi việc này liên quan đến phản ứng chính sách, đến kịp thời sửa đổi, bổ sung pháp luật khi nhiều vụ vi phạm pháp luật lớn nhưng lại không có kế hoạch bài bản để thực hiện phản ứng chính sách không mang tính bị động.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Lê Thành Long đồng tình phạm vi đánh giá trong tổng kết Nghị quyết 48 phải bám sát nội dung Nghị quyết nhưng nên mở rộng, ưu tiên hơn cho công tác tổ chức thi hành, đánh giá việc áp dụng pháp luật trong các cơ quan liên quan. Về đề cương báo cáo, cơ bản theo khung báo cáo chung, nhưng cần có điểm nhấn theo đặc thù của các cơ quan. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng cho rằng phải đặt tổng kết Nghị quyết 48 trong bối cảnh tổng kết các Nghị quyết khác, kế thừa những nội dung đã làm được.