Theo hướng dẫn của Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI), tổ chức BHTG cần phải là một bộ phận của hệ thống an toàn tài chính để phát hiện sớm, can thiệp kịp thời các tổ chức tín dụng có vấn đề. Việc đảm bảo nguyên tắc này nhằm bảo vệ người gửi tiền và đóng góp vào sự ổn định tài chính. Nói cách khác, hoạt động giám sát từ xa là một công cụ gián tiếp của tổ chức BHTG nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền thông qua phát hiện sớm những rủi ro của tổ chức tham gia BHTG, những nguy cơ gây ra rủi ro trong hoạt động ngân hàng… để từ đó có cơ chế cảnh báo kịp thời, phù hợp.
Vai trò của nghiệp vụ giám sát từ xa tại Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam
Hoạt động giám sát từ xa của BHTG Việt Nam (BHTGVN) bảo vệ gián tiếp quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền thông qua tổng hợp thông tin, phân tích đánh giá rủi ro tổ chức tham gia BHTG gồm: ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô. Căn cứ trên kết quả giám sát từ xa, BHTGVN gửi báo cáo, khuyến nghị cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời tới các tổ chức tham gia BHTG, từ đó góp phần giảm thiểu rủi ro cho tổ chức tham gia BHTG.
Theo quy định tại khoản 10 Điều 13 Luật BHTG, BHTGVN có trách nhiệm “tổng hợp, phân tích và xử lý thông tin về tổ chức tham gia BHTG nhằm phát hiện và kiến nghị NHNN xử lý kịp thời những vi phạm quy định về an toàn hoạt động ngân hàng, rủi ro gây mất an toàn trong hệ thống”. Qua 21 năm, hoạt động giám sát từ xa đã đạt được nhiều kết quả góp phần khẳng định BHTGVN là một tổ chức tài chính không thể thiếu trong việc bảo vệ quyền lợi người gửi tiền, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh hoạt động ngân hàng, góp phần duy trì sự ổn định hệ thống tài chính quốc gia. Theo đó, BHTGVN đã đạt được một số kết quả có thể kể đến như:
Công tác báo cáo tình hình hoạt động của tổ chức tham gia BHTG luôn được đảm bảo đầy đủ, thường xuyên, liên tục tới NHNN. Bên cạnh đó, báo cáo giám sát còn phản ánh các mức độ nghiêm trọng trong các mảng hoạt động nghiệp vụ - nguyên nhân gây ra khó khăn, giúp các nhà quản lý có thể điều chỉnh, lập kế hoạch, có biện pháp khắc phục kịp thời. Trên cơ sở kết quả của hoạt động giám sát từ xa, BHTGVN đề xuất, kiến nghị NHNN các vấn đề cần lưu ý để các tổ chức tham gia BHTG có biện pháp tuân thủ pháp luật một cách nghiêm túc và hợp lý.
Phương pháp giám sát từ xa thống nhất, có căn cứ khoa học và thực tiễn đáp ứng được các yêu cầu. Hệ thống chỉ tiêu giám sát từ xa được xây dựng đảm bảo khoa học và đáp ứng yêu cầu tuân thủ quy định của Việt Nam, từng bước phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế, được áp dụng thống nhất cho tất cả các tổ chức tham gia BHTG; có ý nghĩa trong phân tích, đánh giá một cách trung thực, khách quan tình hình hoạt động và thực trạng tài chính. Bên cạnh đó, hệ thống chỉ tiêu giám sát từ xa cũng đạt yêu cầu và có thể đáp ứng cho công tác giám sát từ xa của NHNN. Các phương pháp giám sát từ xa được áp dụng linh hoạt, phù hợp với đặc điểm tình hình hoạt động của các loại hình tổ chức tham gia BHTG và yêu cầu nội dung giám sát từ xa.
Nghiệp vụ giám sát được xây dựng hệ thống thông tin an toàn, bảo mật. Việc ứng dụng công nghệ hỗ trợ cho hoạt động giám sát từ xa luôn được chú trọng để triển khai các hoạt động kịp thời và hiệu quả. Trên cơ sở các kết quả đạt được của Dự án Hệ thống thông tin quản lý và hiện đại hóa ngân hàng (Dự án FSMIMS), BHTGVN đã phối hợp với Vụ/Cục của NHNN, đặc biệt là Cục Công nghệ thông tin, để khai thác tối đa nguồn thông tin nhận được. Từ đó, góp phần giảm thủ tục hành chính cho tổ chức tham gia BHTG vì không phải gửi trực tiếp thông tin báo cáo về tình hình hoạt động tới BHTGVN.
Từ năm 2018, BHTGVN đã xây dựng hệ thống thông tin về tiền gửi được bảo hiểm. Hệ thống này giúp BHTGVN có cơ sở dữ liệu để đề xuất các chính sách quan trọng về bảo hiểm tiền gửi như hạn mức trả tiền bảo hiểm, để chuẩn bị trước phương án chi trả giúp việc chi trả tới người gửi tiền kịp thời, chính xác. Qua đó, giúp ổn định tâm lý cho người gửi tiền, góp phần đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.
Định hướng trong thời gian tới
Trên cơ sở kinh nghiệm từ một số tổ chức BHTG trên thế giới trong công tác giám sát từ xa, nhằm tăng cường hiệu quả giám sát của tổ chức BHTG và để triển khai, thực hiện tốt các nhiệm vụ và vai trò lớn hơn của BHTGVN trong quá trình tái cơ cấu các TCTD trong thời gian tới, BHTGVN cần tiếp tục sử dụng hiệu quả dữ liệu của NHNN và các kênh thông tin khác để thực hiện tốt vai trò giám sát và trở thành một kênh giám sát hiệu quả, hỗ trợ NHNN trong công tác quản lý, giám sát các TCTD.
Trong tương lai, BHTGVN cần nghiên cứu, đề xuất NHNN xem xét xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin hiệu quả giữa NHNN, BHTGVN với các cơ quan có chức năng giám sát như: Bộ Tài chính, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Ủy ban Chứng khoán để tăng cường chất lượng nguồn thông hỗ trợ cho công tác giám sát của BHTGVN nói riêng và gìn giữ sự an toàn, kỷ cương trong hoạt động ngân hàng nói chung.
Ngoài ra, đẩy mạnh việc phối hợp, trao đổi thường xuyên với các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, giám sát rủi ro ở trong và ngoài nước, đặc biệt là các chuyên gia tại các tổ chức BHTG tiên tiến để trao đổi và học hỏi về các yếu tố rủi ro và các vấn đề trong các khu vực tài chính khác nhau, từ đó tìm cách xây dựng và tăng cường năng lực giám sát rủi ro của BHTGVN.
Đồng thời, từng bước nâng cao địa vị pháp lý của BHTGVN trong việc cho phép BHTGVN có chế tài xử lý phù hợp đối với các tổ chức tham gia BHTG vi phạm quy định pháp luật về BHTG, để các tổ chức này ngày càng nâng cao trách nhiệm của mình cũng như bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.