Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Duy Thắng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL cho biết việc rà soát VBQPPL có vai trò quan trọng trong việc phát hiện các quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, kịp thời sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, ban hành văn bản mới hoặc thay thế VBQPPL, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc áp dụng và thực hiện pháp luật.
Ông Nguyễn Duy Thắng nhấn mạnh, bên cạnh việc rà soát văn bản, việc xử lý kết quả rà soát cũng rất quan trọng và nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Với vai trò là Cơ quan thường trực của Tổ công tác, Bộ Tư pháp đã kịp thời đôn đốc, kết nối, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho các bộ, ngành tổ chức thực hiện rà soát, xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Về cơ bản, các bộ, ngành đã tập trung, nghiêm túc thực hiện việc rà soát và xử lý kết quả văn bản.
Ông Nguyễn Duy Thắng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL phát biểu khai mạc Hội thảo. |
Để nâng cao hiệu quả công tác rà soát, xử lý kết quả rà soát văn bản, Phó Cục trưởng Nguyễn Duy Thắng hy vọng các đại biểu tham dự Hội thảo sẽ tích cực trao đổi, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện tại bộ, ngành mình; qua đó chỉ ra các khó khăn, vướng mắc và đề xuất các kiến nghị, giải pháp trong thời gian tới.
Khái quát chung về tình hình thực hiện rà soát, xử lý kết quả rà soát văn bản từ năm 2020 đến nay, Bộ Tư pháp, các bộ, ngành, địa phương và Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản đã tham mưu thực hiện nhiều đợt rà soát văn bản theo chuyên đề, lĩnh vực, trọng tâm là các lĩnh vực liên quan trực tiếp tới đầu tư, sản xuất, kinh doanh, đời sống của Nhân dân. Trên cơ sở đó, xây dựng các Báo cáo rà soát văn bản trình Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền theo yêu cầu, chỉ đạo.
Bà Trần Thu Giang, Trưởng phòng Kiểm tra khối nội chính, Cục Kiểm tra VBQPPL, Bộ Tư pháp khái quát chung về tình hình thực hiện rà soát, xử lý kết quả rà soát văn bản từ năm 2020 đến nay. |
Đặc biệt, năm 2023, thực hiện yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ, Lãnh đạo Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản và các bộ, ngành, địa phương đồng thời triển khai nhiều nhiệm vụ rà soát văn bản, cụ thể như: nhiệm vụ rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu của Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội (Báo cáo số số 587/BC-CP ngày 20/10/2023 của Chính phủ trình Quốc hội); nhiệm vụ rà soát, đề xuất xử lý VBQPPL phục vụ triển khai Đề án 06 (Báo cáo số 334/BC-BTP ngày 19/10/2023 của Bộ Tư pháp trình Lãnh đạo Chính phủ); nhiệm vụ rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định bất cập, những vấn đề vướng mắc trong các luật hiện hành theo Công văn số 689/TTg-PL ngày 29/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ;...
Trên cơ sở kết quả rà soát văn bản do Tổ công tác và các bộ, ngành thực hiện, các bộ, ngành đang tổ chức nghiên cứu, xử lý hoặc tham mưu cơ quan, người có thẩm quyền xử lý theo quy định. Kết quả rà soát văn bản do Tổ công tác và các bộ, ngành thực hiện đã từng bước được kết nối, sử dụng trong quá trình nghiên cứu, đề xuất xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền.
Toàn cảnh Hội thảo. |
Bên cạnh các kết quả đã đạt được, công tác xử lý văn bản sau rà soát vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như chưa chú trọng việc kết nối, sử dụng hiệu quả kết quả rà soát; các cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện vẫn chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả; nguồn lực đầu tư cho công tác xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật chưa tương xứng với tầm quan trọng, tính chất khó khăn, phức tạp của nhiệm vụ;….
Tại Hội thảo, đại diện các Bộ, ngành đã trao đổi, thảo luận và nêu ra một số khó khăn trong công tác xử lý kết quả rà soát VBQPPL. Qua đó, các đại biểu đề xuất cần tiếp tục quán triệt, thống nhất nhận thức trong các cơ quan nhà nước về vị trí, vai trò của công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật; chú trọng việc kết nối và kế thừa, sử dụng hiệu quả kết quả của các hoạt động kiểm soát chất lượng văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các các cơ quan trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật;...