Tuy nhiên, nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động này vẫn đang được đặt ra, trong đó có việc thực hiện chủ trương xã hội hóa để đáp ứng nhu cầu giám định của các cơ quan tiến hành tố tụng và xã hội.
Vẫn chỉ có một văn phòng giám định
Các tổ chức GĐTP ngoài công lập là loại hình tổ chức GĐTP mới theo mô hình xã hội hóa được thể chế hóa trong Luật GĐTP 2012 theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW (ngày 02/6/2005) của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Theo đó, giám định viên tư pháp đủ điều kiện có thể thành lập Văn phòng GĐTP hoạt động trong 06 lĩnh vực: tài chính, xây dựng, ngân hàng, cổ vật, di vật và bản quyền tác giả.
Thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động giám định, tháng 9/2013, UBND TP HCM ban hành Quyết định cho phép thành lập Văn phòng GĐTP Sài Gòn hoạt động trong lĩnh vực tài chính. Đây là Văn phòng GĐTP đầu tiên của TP HCM và cũng là của cả nước hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Cuối tháng 10/2013, Văn phòng GĐTP Sài Gòn chính thức đi vào hoạt động và từ đó đến nay hoạt động của Văn phòng đã góp phần tích cực giải quyết tốt nhu cầu trưng cầu GĐTP của các cơ quan tiến hành tố tụng và đáp ứng kịp thời các yêu cầu giám định của người dân TP trong lĩnh vực này.
Từ việc lập Văn phòng GĐTP đầu tiên của cả nước theo chủ trương xã hội hóa đã mở ra một hướng mới trong công tác giám định, góp phần tháo gỡ “điểm nghẽn” liên quan đến GĐTP trong hoạt động tố tụng, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, cũng như nhu cầu giám định của xã hội. Nhưng đến nay, ngoài Văn phòng Giám định Sài Gòn thì cả nước chưa có thêm văn phòng giám định nào khác.
Có một thực tế ở các địa phương kinh phí cấp cho các cơ quan tiến hành tố tụng sử dụng để trưng cầu GĐTP chưa đủ so với nhu cầu giám định để giải quyết các vụ án. Bên cạnh đó, trong nhiều lĩnh vực (như xây dựng) nhu cầu của xã hội ngày càng lớn đòi hỏi phải đầu tư trang thiết bị tương xứng, nhưng nhiều nơi nguồn lực có hạn khiến việc xã hội hóa công tác giám định chưa thực sự mạnh mẽ.
Xây dựng cơ chế ưu đãi riêng để xã hội hóa GĐTP
Được biết, để đáp ứng nhu cầu và nâng cao chất lượng GĐTP, có địa phương (như TP HCM) đang nghiên cứu, xây dựng cơ chế riêng để thu hút nguồn lực theo hướng xã hội hóa GĐTP, xây dựng cơ chế ưu đãi riêng đối với các tổ chức GĐTP ngoài công lập (ngoài việc miễn thuế của T.Ư thì có thể ưu đãi thêm các vấn đề khác như miễn thuế đất đai, tạo điều kiện vay tiền mua trang thiết bị...).
Nhằm đẩy mạnh hơn nữa xã hội hóa hoạt động GĐTP, Dự thảo “Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động GĐTP đến năm 2022” do Bộ Tư pháp xây dựng cũng đã giao nhiệm vụ chủ trì nghiên cứu, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường xã hội hóa hoạt động GĐTP trong thời gian tới cho Bộ Tư pháp.
Đồng thời, có quy định về tổ chức thí điểm thành lập Văn phòng GĐTP ở một số lĩnh vực, chuyên ngành mà người dân, xã hội có nhu cầu lớn như một số chuyên ngành trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự (dấu vết tài liệu, ADN...) và một số lĩnh vực khác theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tại Hội nghị tổng kết 05 năm thực hiện Đề án. Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Nghị quyết số 49-NQ/TW theo hướng tăng cường xã hội hóa GĐTP ở những lĩnh vực có nhiều nhu cầu giám định.
Cùng với việc đẩy mạnh xã hội hóa, Dự thảo Đề án cũng xác định tiếp tục củng cố, hoàn thiện hệ thống và bảo đảm điều kiện hoạt động cho tổ chức GĐTP công lập (giám định pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự) nhằm bảo đảm cho việc nâng cao hiệu quả hoạt động GĐTP nói chung và các lĩnh vực giám định này nói riêng.
Trong 5 năm thực hiện Đề án 258, việc xây dựng và hoàn thiện thể chế GĐTP được tích cực thực hiện. Hệ thống tổ chức GĐTP công lập hoạt động giám định chuyên trách trong 3 lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự. Ngoài ra có 179 tổ chức GĐTP theo vụ việc, một tổ chức GĐTP ngoài công lập.
Hiện tổng số giám định viên tư pháp ở các lĩnh vực có 6.154 người, so với năm 2009 (trước khi Đề án được ban hành) tăng 3.693 người, gấp hơn 2 lần. Số người GĐTP theo vụ việc được lựa chọn, công bố là 1.630 người trong các lĩnh vực xây dựng, tài chính, ngân hàng, tài nguyên và môi trường…
Hoạt động GĐTP chủ yếu được thực hiện theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó, hơn 90% là từ cơ quan điều tra trong Công an nhân dân và Quân đội nhân dân, còn lại là trưng cầu giám định của các cấp toà án, cơ quan điều tra thuộc VKSNDTC. Trung bình từ năm 2011 đến nay, mỗi năm các tổ chức giám định trong toàn quốc thực hiện giám định hơn 150.000 vụ việc, chủ yếu về lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự.