Tòa xét hỏi các bị hại ở 10 “dự án” gồm: Alibaba Center Town, Alibaba Tóc Tiên Residence 3, Alibaba Tân Thành Center City, Alibaba Tân Thành Center City 6, Alibaba Tân Thành Homy City, Alibaba Tân Thành Center City 7, Ali Aqua Nhơn Trạch, Alibaba Phước Bình Central Park 3, Alibaba Tóc Tiên Residence, Alibaba Phước Bình Golf. Tổng số bị hại ở 10 “dự án” này là 1.797 người.
Khác với ngày xét xử hôm trước đó, số lượng bị hại đến tòa khá đông. Tới hơn 11h, các bị hại vẫn kéo đến đăng ký, khai báo tại bàn thư ký.
Mặc dù, theo kết quả điều tra, truy tố, Luyện mua đất nông nghiệp, lập dự án “ma” để lừa đảo khách hàng, nhưng tới thời điểm này vẫn còn nhiều người tin tưởng Cty Alibaba.
Khi được HĐXX mời lên thẩm vấn, một số người vẫn một mực cho rằng Luyện không lừa đảo, đất có thật và đề nghị tiếp tục thực hiện hợp đồng với Cty Alibaba.
Bỏ ra hơn 4,4 tỷ đồng để mua đất ở nhiều dự án của Công ty Alibaba, một bị hại đề nghị tòa cho bà tiếp tục thực hiện hợp đồng còn dang dở, cho giữ lại đất. “Trong hợp đồng là đất thổ cư, có số lô, số thửa rõ ràng”, bị hại này trình bày. Tương tự, một số bị hại khác cũng đề nghị HĐXX cho họ tiếp tục thực hiện hợp đồng.
Một trong hàng nghìn bị hại của Alibaba trình bày nguyện vọng với HĐXX, ông Trần Đăng Quang (đại diện ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Minh Châu) cho biết bà Châu đã đầu tư khoảng 20 nền với tổng số tiền 4,4 tỷ đồng cho Alibaba.
Ông yêu cầu HĐXX được lấy lại đất đã đầu tư, muốn tiếp tục thực hiện hợp đồng dang dở với Alibaba. Theo ông Quang, số đất bà Châu đã mua là đất thổ cư, có số lô, số thửa rõ ràng.
Tham gia xét hỏi, đại diện VKSND TP HCM đặt câu hỏi, đây là đất nông nghiệp, giờ ông đòi đất thổ cư, vậy tòa lấy đâu đất thổ cư để trả cho ông?
Trước yêu cầu này của các bị hại, chủ tọa Trần Minh Châu phải nhắc nhở: “Tòa lưu ý các bị hại cần phải cân nhắc khi đưa ra yêu cầu. Đây là những dự án không có thật, là đất nông nghiệp thì Tòa lấy ở đâu để đưa cho các bị hại”.
Sở dĩ, tới thời điểm này các bị hại vẫn tin tưởng vào các dự án "ma" của Alibaba là có thật, bởi thời điểm mua đất, họ được Luyện cho xem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong hợp đồng mua bán ghi rõ “Đất thổ cư 100%”.
Là một trong số ít bị hại nhận ra bản chất lừa đảo của Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm, anh Đông (ngụ quận Tân Bình) cho biết, anh đã nghiên cứu suốt hai năm trời mới xuống tiền mua 3 lô đất, số tiền gần 700 triệu đồng.
Kể về lý do biết đến dự án của Alibaba, anh nói không có ai giới thiệu mà được nhân viên Cty Alibaba chào mời thông qua mạng xã hội Facebook. "Không hiểu sao họ có Facebook của tôi rồi kết bạn, họ rất quan tâm khách hàng, thường xuyên nhắn tin hỏi thăm, chào mời hấp dẫn nên tôi xuống tiền", anh Đông cho hay.
Cũng theo anh Đông, Alibaba đưa ra các ưu đãi rất hấp dẫn, khách hàng có thể mua đất nền hoặc nhận hợp đồng quyền chọn, tức là nhận lãi suất. Anh Đông cho biết điều khoản Alibaba nêu trong hợp đồng mua bán có những ưu đãi như Alibaba sẽ thuê lại đất với giá thuê 2%/tháng trên số tiền thực đóng thời hạn một năm kể từ ngày ký hợp đồng (áp dụng cho những hợp đồng thanh toán 95%) hoặc Alibaba sẽ mua lại chênh lệch 30% sau 12 tháng hoặc Alibaba mua lại chênh lệch 38% sau 15 tháng...
"Tôi mua một lô đất giá 195 triệu đồng, cứ một tháng thì Alibaba trả cho tôi 3 triệu đồng tiền lãi. Tuy nhiên, số lãi này tôi không được nhận lại, thay vào đó Alibaba yêu cầu tôi đóng thêm 70%, công ty hỗ trợ 30% để mua thêm lô đất khác", anh Đông kể và cho biết anh may mắn hơn so với những người khác là không phải vay mượn để mua đất, song cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn hơn kể từ khi mua phải dự án "ma".
Vay mượn khắp nơi được 2,9 tỷ đồng, một phụ nữ (ngụ Cần Thơ) mang lên Cty Alibaba mua 20 lô đất ở các dự án. Biết chuyện, chồng chị thường xuyên đánh đập. Tiền bạc mất trắng, nợ nần chồng chất, các con chị phải phiêu bạt khắp nơi kiếm tiền, phụ giúp mẹ trả nợ.
Luyện bị cáo buộc: Năm 2016 thành lập Cty Địa ốc Alibaba kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản. Với vai trò Chủ tịch HĐQT, Luyện còn thành lập 22 Cty con, trong đó sử dụng 12 pháp nhân làm chủ đầu tư 58 dự án bất động sản không có thật tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận; sau đó tự phân lô, tách thửa trái pháp luật, quảng cáo để bán cho hàng nghìn người.
Toàn bộ các dự án đều được vẽ trái phép trên một diện tích đất nông nghiệp đặc biệt lớn sau đó quảng cáo không đúng sự thật, chuyển nhượng cho khách hàng. Bằng cách này, Luyện đã chỉ đạo các nhân viên dưới quyền chiếm đoạt gần 2.400 tỷ đồng của 4.560 khách hàng. Trong đó, cơ quan điều tra đã làm việc được với 4.065 khách hàng tố cáo bị chiếm đoạt 2.108 tỷ.