Vẫn biết những khiếm khuyết trên cơ thể các em là di chứng của CĐDC –chứng tích đau thương nhất tố cáo tội ác chiến tranh do đế quốc Mỹ để lại. Nhưng nỗi đau đó dường như vẫn chưa được công nhận, đồng nghĩa với việc các em chưa được hưởng chế độ, chính sách đối với nạn nhân CĐDC.
Từ thực tế này, tháng 5/2015, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 43, yêu cầu phải hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chính sách, chế độ đối với con, cháu của người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học (CĐHH). Nhưng, từ đó đến nay, chủ trương trên vẫn chưa được triển khai trong thực tế.
Những câu hỏi lớn
Theo Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam, tính đến năm 2016, cả nước có khoảng 44.000 nạn nhân CĐDC thuộc thế hệ thứ 3 (trong đó có khoảng 1.500 đã chết). Như vậy, có nghĩa là chừng ấy con người (xin nhấn mạnh là những con người với tuổi đời còn rất ít đang hàng ngày vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo do hậu quả của CĐDC), ngoài các chế độ bảo trợ xã hội hàng tháng dành cho người khuyết tật mà mức hưởng còn rất khiêm tốn, họ vẫn chưa biết tới các chính sách, chế độ ưu đãi của nhà nước đối với nạn nhân CĐDC.
Có lẽ sẽ rất ít người trong số hàng chục nghìn nạn nhân nói trên biết tự đặt câu hỏi: “Vì sao cơ thể mình lại bị dị tật, dị dạng thảm thương như vậy?”. Và, nếu biết mình là nạn nhân CĐDC, câu hỏi tiếp theo mà các em muốn được người lớn trả lời là vì sao ông/bà, bố/mẹ đã được hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước, còn mình thì không, trong khi các em cũng bị ảnh hưởng bởi loại chất độc hóa học đó?... Những dằn vặt của người lớn và cả những khát khao, ước mơ cháy bỏng của trẻ thơ bên trong một cơ thể bệnh tật vẫn luôn chờ đợi trong khắc khoải. Họ cần được trả lời.
“Để tăng cường công tác khắc phục hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, giúp nạn nhân CĐDC từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, Ban Bí thư Trung ương yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân…hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chính sách, chế độ đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm CĐHH và con, cháu của họ...” (Chỉ thị 43-CT/TƯ ngày 24/5/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng). Chắc rằng đây chính là câu trả lời được mong mỏi nhất của các nạn nhân CĐHH nói chung và các nạn nhân CĐDC thế hệ thứ 3 nói riêng. Bởi, nếu theo quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng thì chỉ những người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con của họ mới được hưởng chính sách đối với nạn nhân CĐDC; nhưng với nội dung tại Chỉ thị 43 nói trên, Ban Bí thư Trung ương còn yêu cầu phải bổ sung đối với cả thế hệ cháu của người tham gia kháng chiến bị nhiễm CĐHH.
Và, hơn hai năm sau, ngày 19/7/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại ký ban hành Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người có công với cách mạng. Tại văn bản này, Ban Bí thư Trung ương một lần nữa yêu cầu cụ thể hơn: “Nghiên cứu chính sách đối với người bị ảnh hưởng bởi CĐHH thế hệ thứ 3 của người tham gia kháng chiến bị ảnh hưởng bởi CĐHH…”.
Cụ thể hóa- đến bao giờ?
Trước đó, ngay từ ngày 1/6/2012, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định số 651 phê duyệt kế hoạch hành động Quốc gia khắc phục cơ bản hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến 2020. Quyết định trên có 6 mục tiêu cụ thể, trong đó mục tiêu thứ hai mà Chính phủ hướng tới là “100% người tham gia kháng chiến và con, cháu của họ bị nhiễm CĐHH được hưởng chính sách ưu đãi người có công”. Như vậy, tại văn này, Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhắc đến thế hệ thứ 3 của người tham gia kháng chiến bị nhiễm CĐHH và cũng đặt ra một loạt nhiệm vụ cụ thể, như: “Hoàn thiện chính sách và chế độ trợ giúp nạn nhân CĐHH là những người tham gia kháng chiến và con, cháu của họ bị nhiễm CĐHH được hưởng chính sách ưu đãi người có công”; “Ban hành Quy trình xác định nạn nhân CĐHH và Tiêu chí xác định bệnh/tật do CĐHH”…
Để cụ thể hóa những quy định trên, Chính phủ đã phân công trách nhiệm cho từng bộ, ngành. Trong đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) chịu trách nhiệm sửa đổi, bổ sung hoặc trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các chính sách đối với nạn nhân CĐHH; chủ trì và phối hợp với Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng xây dựng Quy trình xác định nạn nhân CĐHH... Còn Bộ Y tế thì rà soát danh mục bệnh/tật và ban hành tiêu chí chẩn đoán bệnh/tật có liên quan đến CĐHH…
Như vậy, chủ trương đã có, và không chỉ nhắc một lần- Ban Bí thư đã nhắc tới hai lần, Thủ tướng Chính phủ cũng quy định khá cụ thể. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 5 năm (kể từ khi Thủ tướng ban hành Quyết định số 651) và gần hai năm rưỡi (tính từ ngày Ban Bí thư ký Chỉ thị số 43), các bộ, ngành chức năng vẫn chưa có văn bản quy định chi tiết tinh thần chỉ đạo nói trên. Trước boăn khoăn này, ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, “trách nhiệm trước hết là của Bộ LĐTB&XH- ngành được giao chức năng, nhiệm vụ về quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này. Đây chính là cơ quan tham mưu đề xuất những chính sách để thực hiện các yêu cầu tại Chỉ thị 43”.
Vậy Bộ LĐTB&XH đã thực hiện chủ trương trên ra sao? Báo PLVN sẽ tiếp tục trở lại vấn đề này trong kỳ tới./.