“Hiện tại, không có bằng chứng nào cho thấy 501.V2 (biến thể) có khả năng lây truyền cao hơn biến thể ở Vương quốc Anh như gợi ý của Bộ trưởng Y tế Anh. Cũng không có bằng chứng nào cho thấy (nó) gây ra bệnh nặng hơn hoặc tăng tỷ lệ tử vong hơn biến thể ở Anh hoặc bất kỳ biến thể nào đã được giải trình tự trên khắp thế giới” - Zwelini Mkhize tuyên bố.
Thông báo về những hạn chế đối với việc đi lại từ Nam Phi hôm thứ Tư, Matt Hancock của Anh đã nói rằng biến thể ở đó "rất đáng lo ngại, bởi vì nó vẫn dễ lây lan hơn và nó dường như đã biến đổi xa hơn" so với chủng tương tự ở Anh.
Lời nói của Bộ trưởng Anh "đã tạo ra nhận thức rằng biến thể virus corona tại Nam Phi là nhân tố chính trong làn sóng thứ hai ở Anh. Điều này là không đúng", ông Mkhize nói.
Ông chỉ ra bằng chứng cho thấy chủng virus corona tại Anh, mang đột biến tương tự với chủng virus này ở Nam Phi, xuất hiện vào đầu tháng 9 ở quận Kent phía đông nam nước Anh khoảng một tháng trước khi biến thể mới của virus corona xuất hiện tại Nam Phi.
Vì vậy, trích dẫn "quan điểm được chia sẻ rộng rãi của cộng đồng khoa học", ông Mkhize cho rằng "rủi ro của lệnh cấm du lịch có thể lớn hơn lợi ích. Cấm đi lại giữa Vương quốc Anh và Nam Phi là một quyết định đáng tiếc".
Nam Phi là quốc gia bị virus corona ảnh hưởng nặng nề nhất trên "lục địa đen", với gần một triệu ca nhiễm và 26.000 người chết. Khoảng 14.000 trường hợp dương tính đã được phát hiện trong hai ngày qua, so với từ 8.000 đến 10.000 trường hợp đầu tuần này.
Ông Mkhize cho biết, chính quyền có thể áp dụng những hạn chế mới để làm chậm sự lây lan của virus này.