Trong đó, lĩnh vực công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng cao, tăng 13,12% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 45,4% trong GRDP. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả năm ước đạt trên 135 nghìn tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong tỉnh ước thực hiện đạt trên 2,5 triệu USD, tăng 9,39% so với cùng kỳ, tăng 0,8% kịch bản. Kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh ước đạt trên 2,7 triệu USD.
Năm 2022, ngành Công Thương sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo theo tinh thần chủ đề công tác năm 2022 của tỉnh “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; giữ vững đà tăng trưởng; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao” nhằm tạo sự chuyển biến căn bản nhận thức và hành động, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ được giao.
Sở Công Thương Quảng Ninh đặt ra mục tiêu sẽ phấn đấu đảm bảo giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trên 30%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 145 nghìn tỷ đồng, tăng 7,4% so với năm 2021; Kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong tỉnh phấn đấu đạt 2.693 triệu USD, đạt 105,11% so với ước thực hiện năm 2021.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn biểu dương những kết quả tích cực ngành Công Thương đã đạt được trong năm 2021. Nhận định những khó khăn, thách thức trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành Công Thương tiếp tục khai thác hiệu quả các dư địa và tiềm năng phát triển năm 2022, giữ vững đà tăng trưởng. Bám sát các chỉ đạo, định hướng phát triển của tỉnh, ngành Công Thương tập trung gắn kết chặt chẽ với các ngành, đơn vị từ Trung ương đến địa phương tiếp tục đồng hành, tạo điều kiện tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp ngành Than, các đơn vị khai khoáng, năng lượng ổn định sản xuất. Phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.
Tiếp tục thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, ưu tiên hình thành tổ hợp cụm công nghiệp chuyên ngành phục vụ thu hút các dự án, các nhà đầu tư chiến lược. Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0 và sự thay đổi phương thức mua sắm, phát triển hệ thống hạ tầng thương mại hiện đại. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút đầu tư, hình thành trung tâm logistics theo đúng định hướng của tỉnh, có khả năng cạnh tranh với các tỉnh, thành phố lân cận. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện và thực hiện đồng bộ, hiệu quả hơn các chính sách xúc tiến thương mại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thu hút các doanh nghiệp đến với Quảng Ninh.