Nhiều quy định bảo đảm tốt hơn các quyền con người, quyền công dân
Với nhiều giải pháp quyết liệt, đổi mới trong công tác chỉ đạo điều hành, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và đặc biệt là sự nỗ lực của toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, ngành Tư pháp đã đạt nhiều kết quả cụ thể, để lại dấu ấn đậm nét, được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận.
Thực hiện chủ trương xây dựng “Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, lấy sự hài lòng của người dân, DN làm thước đo đánh giá hiệu quả”, trong đó Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặt quyết tâm rất cao trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế gắn với tổ chức thi hành pháp luật, với vai trò cơ quan tham mưu, lực lượng “chủ công”, Bộ, ngành Tư pháp coi đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, theo đó, công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, nhất là thể chế trong các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Ngành đã đạt nhiều kết quả tích cực, với nhiều quy định bảo đảm tốt hơn các quyền con người, quyền công dân, phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân, DN; chấm dứt tình trạng “nợ đọng” văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chất lượng công tác thẩm định, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được nâng lên rõ rệt.
Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, các bộ, ngành đã tích cực hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua 20 dự án luật, nghị quyết (tăng 08 dự án so với năm 2016), cho ý kiến đối với 09 dự án khác (riêng Bộ Tư pháp đã giúp Chính phủ trình Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành cao đối với 03 luật, 01 nghị quyết). Trong đó, có nhiều dự án quan trọng được các bộ, ngành xây dựng để triển khai thi hành Hiến pháp 2013 và các dự án liên quan đến quản lý hoạt động đầu tư kinh doanh nhằm tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của DN.
Công tác kiện toàn tổ chức, bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Ngành đạt nhiều kết quả như việc trình Chính phủ ban hành Nghị định số 96/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp. Công tác phổ biến giáo dục pháp luật bước đầu có sự đổi mới, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc truyền tải pháp luật đến người dân. Thi hành án dân sự đạt kết quả cao, tiếp tục vượt chỉ tiêu cả về việc và về tiền. Công tác hành chính tư pháp, đặc biệt là triển khai Chương trình hành động quốc gia về đăng ký, thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024 và mở rộng áp dụng Phần mềm đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân, gắn với triển khai Luật Hộ tịch đạt nhiều kết quả quan trọng, phục vụ tốt nhu cầu của người dân. Việc tham gia ý kiến pháp lý đối với các vụ việc phát sinh trong đầu tư quốc tế được thực hiện kịp thời, có chất lượng; hợp tác quốc tế về pháp luật tạo được những dấu ấn quan trọng, nhất là trong quan hệ với các nước láng giềng.
Bên cạnh đó, một trong những điểm nhấn của năm 2017 là việc Bộ, ngành Tư pháp đã phản ứng kịp thời đối với các chính sách, “điểm nóng” về mặt pháp lý trong đời sống kinh tế - xã hội để có những đề xuất, giải pháp kịp thời, được dư luận xã hội đồng tình, đánh giá cao.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp |
Tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp: bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả
Năm 2018, Bộ Tư pháp tập trung vào 08 nhóm công tác trọng tâm, trong đó tham mưu cho Chính phủ xây dựng và tổ chức thực hiện tốt Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2018, 2019 trong đó trọng tâm là các dự án luật cần sửa đổi, bổ sung để cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng tại Hội nghị lần thứ 5, thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và các chủ trương của Đảng về hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải cách hành chính, cải cách tư pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thực hiện tốt công tác thẩm định đề nghị xây dựng văn bản, dự án, dự thảo VBQPPL, coi đây là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật ở các bộ, ngành, địa phương. Chuẩn bị tốt công tác đánh giá tình hình triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013 để xây dựng Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV tại Kỳ họp thứ 6.
Đẩy mạnh công tác tổ chức thi hành pháp luật, nhất là các luật mới được Quốc hội thông qua như Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015, gắn với triển khai hiệu quả Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021, Đề án một số giải pháp đổi mới công tác tổ chức thi hành pháp luật sau khi được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Tiếp tục theo dõi tình hình thi hành Bộ luật Dân sự, Luật Ban hành VBQPPL năm 2015, Luật Đấu giá tài sản, kịp thời phát hiện và hướng dẫn xử lý các vướng mắc trong thi hành. Chủ động phản ứng chính sách pháp luật, phát hiện, xử lý các văn bản trái pháp luật, không phù hợp với thực tiễn, nhất là các vấn đề pháp lý liên quan đến người dân, DN; khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết. Tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN.
Tiếp đó, hoàn thành, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ về thi hành án dân sự năm 2018, giảm ít nhất 3% số việc và tiền có điều kiện thi hành chuyển sang kỳ sau so với năm 2017; tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ từng bước giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp, kéo dài; thực hiện tốt công tác quy hoạch, luân chuyển, đào tạo bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ, công chức thi hành án dân sự; vận hành và thực hiện nghiêm Phần mềm quản lý và thống kê thi hành án dân sự trong toàn quốc. Tổ chức thực hiện tốt Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, bảo đảm thi hành dứt điểm các bản án, quyết định của Tòa án đối với các vụ án hành chính còn tồn đọng.
Bộ Tư pháp cũng xác định các nhóm công tác trọng tâm năm 2018 là củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp, nhất là tổ chức các cơ quan tư pháp địa phương và các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp; thực hiện tốt nhiệm vụ “đại diện pháp lý” cho Chính phủ trong các vụ kiện đầu tư quốc tế; Triển khai thực hiện Đề án định hướng tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế về pháp luật của Bộ Tư pháp giai đoạn 2017-2021, chú trọng phát triển quan hệ hợp tác với các đối tác truyền thống; thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm; tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm cải cách hành chính, đổi mới công tác quản lý chỉ đạo, điều hành, lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong các hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp…
Trả lời phỏng vấn Báo PLVN, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh: Nhìn lại năm 2017, với những gì Bộ, ngành Tư pháp đã nỗ lực đạt được, chúng ta hoàn toàn tự hào khi nói rằng “ngành Tư pháp đang từng bước mạnh lên” như “đặt hàng” đầu năm của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị triển khai công tác tư pháp 2017.
Bộ trưởng khẳng định “kết quả đã đạt được trong công tác tư pháp thời gian qua là do yếu tố con người, do sự cố gắng của mỗi cán bộ, công chức, người lao động trong Bộ, ngành. Chúng ta đã rất cố gắng, đặc biệt là trong nhiệm kỳ mới này với nhiều kỳ vọng của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, nhưng để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc trong bối cảnh biên chế tinh giản thì cần tập trung nhiều hơn cho công tác xây dựng nguồn lực cả tổ chức và con người – từng cán bộ công chức”. Vì thế, theo Bộ trưởng, cần xác định rõ trọng tâm, trọng điểm công việc và cử đúng người làm công việc đó, làm sao để tập hợp sức mạnh tập thể. Bên cạnh đó, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm của công tác đào tạo, bồi dưỡng. Trách nhiệm của mỗi cơ quan, từng đơn vị là tạo môi trường làm việc bình đẳng, dân chủ, công khai, là nơi anh chị em cống hiến trí tuệ, tài năng. Còn bản thân mỗi cán bộ, công chức cần cố gắng trau dồi “sự học trong ngành rất quan trọng, chúng ta tham mưu một thì phải đọc mười, thậm chí đọc 100, trong đó có việc học ngoại ngữ. Cùng đó là sự tích lũy kinh nghiệm, với lòng nhiệt huyết, yêu nghề là điểm quan trọng xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong giai đoạn mới”.