Một sự kiện quan trọng liên quan đến hoạt động luật sư (LS) trong năm 2013 là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật LS có hiệu lực với nhiều qui định được kỳ vọng “làm thay đổi cơ bản về chất hoạt động LS trong thời kỳ mới”, trong đó sẽ góp phần phát triển mạnh mẽ đội ngũ LS, tổ chức hành nghề LS để đáp ứng nhu cầu về dịch vụ pháp lý của xã hội.
Chương trình vinh danh các luật sư tiêu biểu của báo PLVN |
Đối với ngành Tư pháp, “việc Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật LS đã góp phần tạo cơ sở pháp lý cho việc phát triển nghề LS một cách bền vững, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế thị trường và quá trình hội nhập quốc tế của đất nước”.
Còn theo LS.Đỗ Ngọc Thịnh (Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên đoàn luật sư Việt Nam), “Đây là một bước tiến lớn về mặt pháp lý rất đáng ghi nhận khi tiếp tục củng cố, mở rộng môi trường pháp lý cho sự phát triển của luật sư và nghề luật sư ở nước ta”. Vì thế, triển khai tốt Luật này từ năm 2013 được cả ngành Tư pháp, Liên đoàn LS Việt Nam và các Bộ, ngành, tổ chức có liên quan xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phục vụ cho công tác cải cách tư pháp của đất nước.
Có thể nói, “bước đà” cho Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật LS được thực hiện hiệu quả chính là những kết quả của công tác quản lý hoạt động LS năm 2012. Bằng những nỗ lực trong công tác phối hợp giữa các cơ quan tư pháp và các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của LS trong quản lý LS, năm 2012, việc phát triển trong năm qua đã tiếp tục được quan tâm thực hiện, bảo đảm đúng định hướng đã được xác định trong Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020.
Đặc biệt Đoàn LS tỉnh Lai Châu - Đoàn LS cuối cùng trong cả nước - đã được thành lập, kiện toàn hệ thống các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của giới LS.
Đến nay, cả nước có 7.622 LS với hơn 3.000 tổ chức hành nghề LS với hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý của LS cho cá nhân, tổ chức tăng cả về số lượng và nâng cao một bước về chất lượng và “góp phần tích cực bảo vệ công lý, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, doanh nghiệp, phục vụ tích cực cho công cuộc cải cách tư pháp, góp phần tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi thúc đẩy các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại trong bối cảnh hội nhập quốc tế”. Đánh giá này của ngành Tư pháp đã được lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ nhất trí qua thực tiễn của hoạt động LS tại địa phương.
Vì thế, cả ngành Tư pháp và các tổ chức xã hội – nghề nghiệp của LS đều tin tưởng, “hiệu quả của triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư và Chiến lược phát triển đội ngũ luật sư đến năm 2020 sẽ được thể hiện trực tiếp bằng việc phát triển đội ngũ luật sư cả về số lượng và chất lượng theo lộ trình, với khoảng 800 – 1.000 LS sẽ tham gia thị trường cung cấp dịch vụ pháp lý của nước nhà trong năm 2013” nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, bước đầu xây dựng đội ngũ LS có chất lượng phục vụ hội nhập quốc tế.
Để đạt mục tiêu này cũng như thực hiện nhiệm vụ của công tác quản lý hoạt động LS năm 2013, giải pháp được xác định là đề cao trách nhiệm và ý thức đạo đức nghề nghiệp của LS, phát huy vai trò tự quản của các Đoàn LS và Liên đoàn LS Việt Nam, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của tổ chức hành nghề LS.
H.Giang