Theo New York Times, xác nhận của chính quyền Mỹ được Ngoại trưởng Rex W. Tillerson đưa ra tại một cuộc họp báo tại Trung Quốc, khi ông được hỏi về cách thức bắt đầu đối thoại với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhằm tránh nguy cơ xảy ra xung đột giữa 2 nước.
“Chúng tôi có thể đàm phán với họ. Chúng tôi đang thảo luận trực tiếp với họ. Chúng tôi đang thăm dò, vì vậy hãy chờ đợi”, ông Tillerson nói. Theo Ngoại trưởng Mỹ, Mỹ đang có 2, 3 kênh mở để mở với Triều Tiên và thông qua các kênh này, phía Mỹ đã ngỏ ý thăm dò Triều Tiên về những nội dung mà Bình Nhưỡng muốn thảo luận.
Tuyên bố của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ được đưa ra sau khi 2 nước liên tục có những đe dọa qua lại vì chương trình hạt nhân của Triều Tiên, trong đó Triều Tiên tuyên bố tên lửa của nước này có thể bắn tới Mỹ còn Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã đe dọa “hủy diệt hoàn toàn” Triều Tiên.
Tuy nhiên, ít giờ sau khi ông Tillerson rời khỏi Trung Quốc, bà Heather Nauert – Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ - trong một tuyên bố cũng cho biết: “Dù phía Mỹ đã khẳng định không có ý định đẩy chính quyền hiện tại của Triều Tiên vào cảnh sụp đổ” hay điều binh lính tới Triều Tiên nhưng giới chức Triều Tiên không cho thấy họ quan tâm hay đã sẵn sàng cho các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa.
Trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, ông Trump từng tuyên bố nếu đắc cử ông sẽ ngồi vào bàn đàm phán trực tiếp với ông Kim và tỏ ra khá tự tin về khả năng thương thuyết của mình. Theo New York Times, phát biểu của ông Tillerson cho thấy việc ông Kim đã chỉ đạo phóng 84 quả tên lửa chỉ trong vài năm nắm quyền và đang nỗ lực để phát triển bom hạt nhân đã đẩy vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đến mức cấp bách, cần phải có những cuộc đàm phán trực tiếp để hóa giải.
Mặc dù vậy nhưng ông Tillerson cũng không tiết lộ liệu Mỹ sẽ sẵn sàng từ bỏ những điều khoản nào nếu các cuộc đàm phán được khởi động. Ông Trump cũng đã nói rõ ông sẽ không nhượng bộ, dù nhiều người cho rằng việc Mỹ cho đến nay chưa lên kế hoạch tiến hành một cuộc tập trận quy mô lớn nào với Hàn Quốc ít nhất là đến mùa xuân tới là một dấu hiệu nhún nhường. Còn Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un cũng đã từ chối bất kỳ cuộc đàm phán nào mà kết quả cuối cùng sẽ khiến ông phải giải giáp.
Phát biểu của ông Tillerson là chỉ dấu đầu tiên cho thấy chính phủ của ông Trump cũng đang tìm cách thực thi chính sách đã được chính quyền của ông Obama thực hiện với Iran: sử dụng hàng loạt các kênh thương lượng ngoài lề, chủ yếu là các cuộc thương thảo bí mật để sau nhiều năm đàm phán có thể đưa đến một thỏa thuận hạt nhân.
Tuy nhiên, ông Tillerson nói rằng bối cảnh của Triều Tiên và Iran hoàn toàn khác nhau, trong đó Bình Nhưỡng có vũ khí hạt nhân còn Tehran mới chỉ thực hiện chương trình để phát triển vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, Ngoại trưởng Mỹ cũng nói rằng Mỹ sẽ không thúc đẩy một thỏa thuận hạt nhân với Triều Tiên lỏng lẻo như thỏa thuận đã đạt được với Iran.
Song song với đó, Chính phủ Mỹ cũng đang lên nhiều phương án để đối phó với Triều Tiên, trong đó có phương án tấn công vào các điểm phóng tên lửa của Triều Tiên nếu phát hiện Bình Nhưỡng chuẩn bị cho một cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Các cơ quan tình báo của Mỹ cũng đang tìm cách để phá hoại chương trình hạt nhân của Triều Tiên, ngoài các vụ tấn công mạng nhằm vào một số địa điểm hạt nhân từng được thực hiện dưới thời ông Obama.