Mỹ: “Cuộc chiến” sắc lệnh nhập cư diễn biến phức tạp

William Orrick – Thẩm phán Tòa án San Francisco – ra phán quyết phong tỏa sắc lệnh cắt ngân sách liên bang
William Orrick – Thẩm phán Tòa án San Francisco – ra phán quyết phong tỏa sắc lệnh cắt ngân sách liên bang
(PLO) - Ngày 26/4, Chính phủ của Tổng thống Donald Trump đã lên tiếng phản đối phán quyết của Thẩm phán Tòa án San Francisco phong tỏa sắc lệnh cắt ngân sách liên bang đối với các bang và thành phố không bắt hoặc bỏ tù người nhập cư cư trú trái phép.

Trong một tuyên bố, Nhà Trắng cho rằng Thẩm phán William Orrick đã “phớt lờ luật nhập cư liên bang” và “đơn phương viết lại chính sách nhập cư” của Mỹ. Nhà Trắng khẳng định sẽ tiếp tục các nỗ lực thi hành luật nhằm loại bỏ các đối tượng tội phạm ra khỏi nước này. Trước đó, ngày 25/4, Thẩm phán William Orrick  tại San Francisco đã phong tỏa sắc lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump cắt ngân sách liên bang dành cho các bang và thành phố không bắt hoặc bỏ tù người nhập cư cư trú trái phép. 

“Đấu” lại Tòa, Tòa “chỉ mặt”

Tuyên bố của Nhà Trắng được đưa ra cùng ngày sau khi Thẩm phán Orrick ra phán quyết chặn sắc lệnh kiểm soát người nhập cư mà Tổng thống Trump ký ban hành hồi tháng 1 vừa qua. Chỉ 5 ngày sau khi lên nhậm chức, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh hành chính yêu cầu cắt ngân sách dành cho các thành phố “dung túng” người nhập cư sinh sống trái phép. Sắc lệnh này ảnh hưởng trực tiếp tới khoản ngân sách 1,7 tỷ USD dành cho hạt Santa Clara và 1,2 tỷ USD cho San Francisco, cũng như hơn 300 thành phố và hạt khác trên toàn nước Mỹ.

Phán quyết dày 49 trang của Thẩm phán William Orrick ngăn chặn mọi nỗ lực thi hành sắc lệnh hành chính mà Tổng thống Trump ban hành ngày 25/1. Thẩm phán Orrick nêu rõ sắc lệnh của Tổng thống Trump là “vi hiến” và đi ngược lại lợi ích của cộng đồng. Tuy nhiên, phán quyết cho phép Bộ Tư pháp Mỹ cắt các khoản ngân sách hỗ trợ 9 thành phố, trong đó có Chicago, New Orleans, Philadelphia..., nếu các thành phố này không hợp tác với giới chức nhập cư liên bang. Hồi tuần trước, Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions cho rằng 9 thành phố nói trên đã “dung túng” cho nhiều người nhập cư trái phép, trong đó có nhiều đối tượng là tội phạm. 

Phán quyết của Thẩm phán tòa án liên bang San Francisco được đưa ra sau phiên tòa kéo dài 70 phút, diễn ra ngày 14/4 vừa qua, liên quan tới vụ kiện của các hạt Santa Clara và San Francisco về sắc lệnh của ông Trump. Sau khi phán quyết trên được công bố, các thị trưởng các thành phố Seattle, New York và Chicago đã lên tiếng hoan nghênh. 

Đòn qua, đòn lại

Theo giới phân tích, quyết định của Tòa án liên bang San Francisco được cho là đòn tiếp theo giáng vào nỗ lực kiểm soát người nhập cư của Nhà Trắng. Hai sắc lệnh hành chính trước đó của Tổng thống Trump, theo đó cấm nhập cảnh đối với công dân các quốc gia có số đông người Hồi giáo sinh sống cũng đã bị phong tỏa tại tòa án liên bang Hawaii và Seattle. 

Trong bối cảnh sắc lệnh sửa đổi về hạn chế nhập cảnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ được đưa ra  tòa phúc thẩm vào tháng tới, số các bang lựa chọn ủng hộ sắc lệnh trên tăng lên trong khi một bang ủng hộ đảng Dân chủ rút khỏi danh sách phản đối. Hôm 20/4, 16 bộ trưởng tư pháp bang của Mỹ cùng thủ đô Washington DC đã ký và đệ trình lên Tòa phúc thẩm khu vực số 9 tại thành phố San Francisco văn bản ủng hộ bang Hawaii chặn sắc lệnh hành pháp sửa đổi ban hành ngày 6/3 của Tổng thống Trump.

Tuy nhiên, đáng chú ý là Bộ trưởng Tư pháp bang Pennsylvania Josh Shapiro, người từng phản đối sắc lệnh đầu tiên ban hành ngày 27/1, đã không có tên trong văn bản này. Trong khi đó, bang Texas, trước đó vốn “đơn thương độc mã” khi lựa chọn ủng hộ sắc lệnh của Tổng thống Trump hồi tháng 1, đang nhận được sự ủng hộ từ 14 bang trong văn bản đệ trình lên tòa phúc thẩm tại San Francisco hôm 10/4 đề nghị khôi phục sắc lệnh hạn chế nhập cảnh sửa đổi.

Các bang này lập luận rằng tổng thống Mỹ có quyền triển khai chính sách người nhập cư và sắc lệnh trên là cần thiết để ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố. 

Giới chuyên gia cho rằng việc các bang thay đổi quan điểm có thể là kết quả từ việc điều chỉnh nội dung sắc lệnh. Sắc lệnh hạn chế nhập cư mới được Tổng thống Trump ký hôm 6/3 với nhiều điều chỉnh so với sắc lệnh cũ công bố hồi cuối tháng 1. Theo đó, hủy bỏ các lệnh hạn chế nhập cư đối với công dân Iraq, một trong 7 quốc gia nằm trong “danh sách đen” cấm nhập cảnh của sắc lệnh trước đây, cũng như những người có quy chế thường trú lâu dài tại Mỹ (tức là sở hữu Thẻ xanh) hoặc đang có thị thực hợp lệ. Ngoài ra, công dân Syria không còn bị cấm vào Mỹ vô thời hạn như sắc lệnh đầu tiên. 

Tuy nhiên, bất chấp những sửa đổi trên, Tòa án liên bang Hawaii vấn ra lệnh đình chỉ thực thi chỉ 1 ngày trước khi sắc lệnh có hiệu lực. Một ngày sau đó, văn kiện trên tiếp tục vấp phải rào cản pháp lý khi Thẩm phán liên bang Mỹ tại bang Maryland cũng quyết định chặn một phần văn kiện với lý do phân biệt tôn giáo đối với người theo đạo Hồi. Theo kế hoạch, Tòa phúc thẩm khu vực số 9 sẽ tiến hành phiên xem xét đơn kiến nghị của bang Hawaii vào ngày 15/5, trong khi Tòa phúc thẩm khu vực số 4 tại Virginia sẽ xem xét kiến nghị của bang Maryland  vào ngày 8/5. 

Đọc thêm

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.