Người tiêu dùng mua xăng dầu tại khu vực vùng biên giới với trị giá trên 200.000 đồng/lần phải có hóa đơn; thời gian bán xăng dầu của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại đây được quy định từ 6h đến 18h hàng ngày. Đó là những nội dung chính trong Thông tư số 28/2011/TT-BCT hướng dẫn quản lý kinh doanh xăng dầu tại khu vực biên giới vừa được Bộ Công Thương ban hành.
Phải bán hàng vào ban ngày
Bộ Công Thương cho biết, việc ban hành thông tư này nhằm mục đích hạn chế tối đa tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới đã và đang xảy ra. Theo đó, từ 15/9, việc vận chuyển xăng, dầu có tổng giá trị từ 200.000 đồng trở lên mà không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp sẽ bị nghiêm cấm.
Ảnh minh họa |
Cùng đó, cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại khu vực biên giới phải lập hóa đơn ghi rõ tên, địa chỉ người mua xăng dầu có giá trị thanh toán mỗi lần từ 200.000 đồng trở lên. Trong trường hợp bán xăng dầu cho các đối tượng tiêu dùng có tổng giá trị thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần, cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại khu vực biên giới không phải lập hóa đơn, trừ trường hợp người mua yêu cầu nhận hóa đơn nhưng phải ghi và theo dõi trên bảng kê.
Cũng theo thông tư này, thời gian bán xăng dầu của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại khu vực biên giới được quy định từ 6h đến 18h hàng ngày. Tuy nhiên trong trường hợp cần thiết và để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xăng dầu của cư dân biên giới ngày càng tốt hơn, UBND cấp tỉnh có thể điều chỉnh thời gian bán xăng dầu tại từng địa bàn phù hợp với tình hình thực tế.
Phương tiện vãng lai nước ngoài: mua tối đa 50 lít/ngày
Ngoài những nội dung trên, Bộ Công thương cũng quy định: căn cứ vào điều kiện địa lý, địa bàn hoạt động và loại phương tiện, UBND cấp tỉnh sẽ quy định lượng xăng, dầu tối đa mà cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại khu vực biên giới được phép bán cho phương tiện vãng lai nước ngoài, bao gồm: lượng bán xăng, dầu tối đa cho mỗi phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ôtô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy và các loại xe tương tự, nhưng không được vượt quá định mức 50 lít/lần/ngày cho mỗi phương tiện.
Lượng bán xăng, dầu tối đa cho mỗi phương tiện thủy gồm tàu, thuyền và các cấu trúc nổi khác có động cơ chuyên hoạt động trên đường thủy cũng không được vượt mức 100 lít/lần/ngày cho mỗi phương tiện.
Đáng chú ý, việc bán xăng dầu cho các đối tượng vãng lai nước ngoài chỉ được bơm trực tiếp vào bình chứa chính của phương tiện. Không bán vào các dụng cụ chứa đựng khác, kể cả bình phụ chứa nhiên liệu gắn ở phương tiện. Việc bán xăng dầu cho các phương tiện này cũng phải lập hóa đơn và ghi rõ biển kiểm soát của phương tiện.
Trong trường hợp do điều kiện địa lý, cần phải quy định lượng bán xăng, dầu vượt mức quy định, UBND cấp tỉnh được phép điều chỉnh tăng lượng bán xăng, dầu lên nhưng không quá 20% đối với từng loại phương tiện cụ thể và phải thông báo về Bộ Công Thương bằng văn bản.
Thông tư cũng giao trách nhiệm quản lý giám sát buôn bán xăng dầu cho UBND và Sở Công Thương các tỉnh khu vực biên giới. Cụ thể, các cơ quan này phải chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường định kỳ và đột xuất kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại khu vực biên giới.
Đồng thời, phối hợp với lực lượng biên phòng kiểm tra việc bán lẻ xăng dầu cho phương tiện vãng lai nước ngoài. Định kỳ hằng tháng báo cáo Bộ Công Thương về lượng xăng dầu bán ra của các cửa hàng, trong đó nêu rõ nguyên nhân tăng, giảm lượng xăng dầu bán ra và đề xuất biện pháp xử lý…
Đông Quang