Một cơ sở hàng giả bị cảnh sát kiểm tra, thu giữ. |
Liên tục phát hiện đường dây hàng giả
Gần Tết là thời điểm các cơ quan chức năng liên tục ra quân để truy quét các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả. Nhiều đối tượng sản xuất, tiêu thụ hàng giả liên tục bị phát hiện.
Mới đây, Công an tỉnh Đồng Nai đã khám xét 16 địa điểm tại TP Biên Hòa và nhiều huyện như Định Quán, Trảng Bom, Thống Nhất, bắt giữ hàng tấn hàng hóa, thực phẩm các loại làm giả các thương hiệu nổi tiếng để tung ra thị trường tiêu thụ trong dịp Tết sắp đến.
Qua kiểm tra khám xét các địa điểm này, thu giữ được hơn 10 tấn hàng hóa, gồm nhu yếu phẩm và thực phẩm như bột giặt, dầu ăn, nước giải khát, bột ngọt, nước mắm, giấy vệ sinh... làm giả các thương hiệu nổi tiếng do nhiều đối tượng thực hiện tung ra thị trường tiêu thụ.
Công an đã niêm phong toàn bộ số lượng hàng hoá không rõ nguồn gốc, hoá đơn chứng từ để tiếp tục mở rộng điều tra, xử lý theo quy định.
Tại TP HCM, cơ quan cảnh sát đã “đột kích” một địa điểm sản xuất, tiêu thụ Nón Sơn giả mạo. Tổng tang vật thu giữ hơn 30.000 nón vải giả thương hiệu Nón Sơn với trị giá hàng thật trên 30 tỷ đồng cùng máy móc, nhiều tem, nút, logo có chữ và hình Nón Sơn. Tại cơ quan công an, các đối tượng khai tổ chức sản xuất nón vải giả nhãn hiệu Nón Sơn rồi rao bán trên mạng xã hội và bỏ mối cho các cửa hàng.
Thiệt hại từ túi tiền đến sức khỏe người dân
Theo dự đoán về xu hướng tiêu dùng dịp cuối năm của Kantar WorldPanel, chi tiêu nhóm hàng tiêu dùng nhanh, đặc biệt là các sản phẩm sử dụng tại nhà sẽ tăng trưởng tốt trong dịp Tết 2022 với mức chi tiêu gấp 2 - 3 lần so với ngày thường. Trong đó, khu vực thành thị có xu hướng mua sắm Tết sớm hơn với mức tăng trưởng 3% và khu vực nông thôn tăng 6% so với Tết 2021.
Dịp này, mặt hàng bán chạy nhất và cũng dễ làm giả nhất, phải kể đến mặt hàng thực phẩm. Khảo sát tại các chợ sỉ bánh kẹo trên địa bàn thành phố cho thấy, nhiều sản phẩm bánh kẹo bán xá, bán kí, không nhãn mác được bày bán tràn lan với giá rẻ.
Bà L.T.H, tiểu thương chợ sỉ bánh kẹo Bình Tây tiết lộ, ngoài các mặt hàng bánh kẹo có thương hiệu rõ ràng thì các loại bánh kẹo bán xá, bán kí này dành cho những người mua số lượng lớn, về tự in nhãn mác, đóng vào thương hiệu của mình rồi bán ra thị trường. Các loại bánh kẹo này cũng xuất hiện nhiều trong các giỏ quà bình dân. Bà H cho biết, các sản phẩm bánh kẹo không nhãn mác này được một số xưởng gia công làm và một phần nhập về từ Trung Quốc.
Cạnh mặt hàng bánh kẹo, thực phẩm thì các sản phẩm như thời trang (quần áo, túi xách, phụ kiện) và mỹ phẩm cũng là những mặt hàng bị làm giả phổ biến dịp cuối năm. Tương tự như vụ Nón Sơn nói trên, các cơ sở làm giả sản xuất tem, nhãn và nhập hàng nhái từ Trung Quốc về hoặc tự gia công, sản xuất rồi bỏ mối cho những nhà bán để trộn lẫn vào hàng thật, bán kiếm lợi nhuận cao.
Nếu như mặt hàng thời trang khiến người tiêu dùng bị thiệt hại về túi tiền thì sản phẩm giả, nhái mỹ phẩm, thực phẩm gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Mặc dù đã có những cuộc ra quân mạnh mẽ từ phía cơ quan chức năng, nhưng người tiêu dùng nên cẩn thận, chỉ chọn mua và sử dụng thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ, ngày tháng sản xuất, hạn sử dụng rõ ràng, có nhãn mác thông tin đầy đủ. Cơ quan chức năng cũng vận động người dân phát hiện những cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái kịp thời phản ánh đến cơ quan hữu quan, góp phần “dẹp loạn” vấn nạn này, trả lại thị trường tiêu dùng trong sạch, lành mạnh.