Khoảng 100.000 tỷ đồng dự kiến được dành cho công ty mua bán nợ xấu, nhưng liệu số tiền đó có “cứu” được nền kinh tế đang vô cùng khó khăn, hay chỉ là cách hy sinh tiền nhà nước để cứu vãn quyền lợi của thiểu số ngân hàng?.
Công ty mua bán nợ xấu sẽ “cứu” DN hay ngân hàng?. Ảnh minh họa: T.Việt |
Tiền của ai, chi cho ai?
Mặc dù lãi suất được giảm liên tục trong vài tháng qua, tín dụng vẫn tăng trưởng âm mà nguyên nhân được xác định là do nợ xấu. Trong 5 tháng đầu năm nay, tín dụng tăng trưởng âm 0,76%, và khả năng tăng trưởng tín dụng trong tháng 6/2012 cũng không nhiều. Nhiều khả năng mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15 – 17% trong năm nay khó đạt được. Thực trạng tiền không thể cho vay ra không những làm cho doanh nghiệp (DN) không có vốn tiếp tục sản xuất kinh doanh, mà còn khiến chính ngân hàng đứng ngồi không yên.
Trong cuộc họp mới đây giữa Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với 14 ngân hàng thương mại (NHTM) lớn (G14+1), đã có hàng loạt giải pháp được đưa ra, trong đó, giải pháp thành lập công ty mua bán nợ xấu ngân hàng được đặc biệt chú ý. Theo đề án này, NHNN dự định thành lập công ty mua bán nợ với số nợ mua có thể lên tới 100.000 tỷ đồng. Mục đích của giải pháp này nhằm lành mạnh hóa bảng cân đối tài sản của các NHTM và DN, qua đó sẽ đẩy mạnh tín dụng vào nền kinh tế, tháo gỡ sự ngưng trệ lưu chuyển dòng vốn giữa NH và DN.
“Nhìn qua thấy rằng việc mua nợ xấu mục đích là nhằm giúp DN có đủ điều kiện để được trở lại tiếp tục vay vốn, nhưng nhìn kỹ hơn sẽ thấy, thật ra các ngân hàng mới là đối tượng được thủ lợi đầu tiên” – ông Nguyễn Quang Vinh, chuyên gia tài chính, nhận định.
Theo vị này, nếu Chính phủ, cụ thể là NHNN, đứng ra giải quyết rủi ro này cho ngân hàng, thì vô hình trung ngân hàng không phải gánh chịu gì về những mạo hiểm mà họ tham gia khi “nắm” chứng khoán, BĐS, những lĩnh vực họ từng hái ra tiền những năm trước.
Cần thận trọng
Theo TS. Vũ Viết Ngoạn, không nên quá kỳ vọng vào công ty mua, bán nợ xấu của NHNN. Ông Ngoạn cho rằng, đây chỉ là một trong những biện pháp xử lý nợ xấu, chứ không thể giải quyết nợ xấu của toàn bộ hệ thống ngân hàng.
Theo quan điểm của một số chuyên gia, nếu thành lập công ty mua bán nợ xấu thì Nhà nước chỉ góp một tỉ lệ vốn nhất định, ví dụ như góp tối đa 30% vốn điều lệ dưới dạng bảo lãnh cho công ty phát hành trái phiếu huy động vốn, còn lại 70% vốn điều lệ sẽ phân bổ theo mức độ nợ muốn giao dịch của các NHTM, ngân hàng nào không góp vốn điều lệ thì không được mua bán nợ, vì hoạt động của công ty này tác động trực tiếp đến quyền lợi của ngân hàng. Làm theo cách này sẽ buộc các ngân hàng phải tham gia và chịu trách nhiệm giải quyết khoản nợ xấu của họ và tránh rủi ro ngân hàng "đi đêm" bán "nợ xấu" với giá "không xấu" cho nhà nước.
Một giảng viên Học viện Ngân hàng thẳng thắn cho rằng, không nên áp dụng giải pháp thành lập công ty mua nợ xấu, vì giải pháp này không phù hợp với nền kinh tế Việt Nam trong điều kiện mức độ tích lũy thấp, tính minh bạch trong việc thực hiện chính sách còn nhiều bất cập. Vị chuyên gia này cũng cho rằng, thay vì mua nợ xấu, Chính phủ cần đầu tư các biện pháp tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh để vực dậy thị trường, tái cấu lại nền kinh tế.
Nguyễn Thành