Vô cớ đập phá tài sản
Bà Nguyễn Thị Như Cúc - Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Carole (thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) cho biết: năm 2006, bà nhận quyền sử dụng đất tại đồi Hiệp Thoại, núi Điện Tiên, khu phố 7, thị trấn Dương Đông từ gia đình bà Lâm Thị Lan rồi tiến hành san lấp, làm đường, kéo điện, xây tường rào xung quanh khu đất, khoan giếng sinh hoạt và xây nhà nghỉ, nhà tiếp khách. Ngoài ra, bà còn trồng cây ăn trái, hoa màu. Từ khi nhận chuyển nhượng đất đến đầu năm 2017 không có tranh chấp nào xảy ra.
Quá trình sử dụng đất, do có nhu cầu mở rộng kinh doanh, bà Cúc có văn bản gửi UBND tỉnh Kiên Giang xin chủ trương đầu tư và thủ tục đang được tiến hành theo quy định. Trong thời gian chờ mở rộng diện tích kinh doanh, do ngôi nhà nghỉ và nhà tiếp khách bị xuống cấp, bà làm đơn xin chính quyền sửa chữa.
Tuy nhiên, ngày 5/5/2017, ông Lê Minh Du (SN 1971, ngụ khu phố 2, thị trấn Dương Đông, người có đất giáp ranh với bà Cúc) cùng hơn 10 người đến đe dọa, đuổi công nhân và hôm sau cho một nhóm người đến đập phá tường rào dài khoảng 150m. “Nhóm người trên rất hung hăng, ngang nhiên đập phá tài sản, có ý đồ hành hung người của doanh nghiệp khiến chúng tôi không thể an tâm làm ăn”, bà Cúc trình bày.
Sau khi sự việc xảy ra, phía doanh nghiệp này làm đơn trình báo Cơ quan điều tra Công an huyện Phú Quốc cho rằng hành vi của nhóm người trên có dấu hiệu của tội “Hủy hoại tài sản” hoặc “Cố ý làm hư hỏng tài sản”. Ngày 7/6/2017 và ngày 16/6/2017, công an khám nghiệm hiện trường xác định tài sản bị hủy hoại. Tại Biên bản định giá tài sản trong tố tụng hình sự số 40/KL-HĐĐG ngày 10/7/2017, của Hội đồng định giá tài sản UBND huyện Phú Quốc kết luận, bờ tường rào bị phá được xây bằng gạch có giá trị là 35,98 triệu đồng.
Tuy nhiên, ngày 7/8/2017, Cơ quan điều tra Công an huyện Phú Quốc ra thông báo không khởi tố vụ án hình sự với lý do: Hành vi không cấu thành tội phạm. Không đồng tình với thông báo trên, bà Cúc làm đơn kiến nghị lên các cơ quan cao hơn đề nghị xem xét, xử lý những người liên quan.
Đủ căn cứ khởi tố hình sự
Bà Cúc cho biết, bức tường bị phá được doanh nghiệp xây từ năm 2010, từ đó đến khi bị phá không có bất kỳ một tranh chấp nào. “Nguyên nhân nhóm người đến phá bức tường của tôi là do ông Du cho rằng nguồn gốc đất được gia đình ông khai khẩn từ năm 1976 và sử dụng từ đó đến nay. Tuy nhiên, nội dung này của ông Du đã bị phủ nhận trong Văn bản số 66/UBND-NCPC ngày 10/5/2017, khi UBND thị trấn Dương Đông cho biết ông Du không đứng tên chủ sử dụng mảnh đất. Dù là người không có liên quan, nhưng khi doanh nghiệp đến sửa nhà thì ông Du cùng một nhóm người đã cản trở, đập phá bức tường rào”, bà Cúc cho biết.
Theo một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội, hành vi phá tường rào trị giá 35,98 triệu đồng có dấu hiệu của tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 143 Bộ luật Hình sự: “Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.
Vị luật sư cũng cho rằng, giả sử bức tường trên được doanh nghiệp bà Cúc xây dựng trái phép thì chỉ có UBND huyện Phú Quốc mới có quyền ra quyết định xử phạt hành chính, buộc tháo dỡ. Nếu bà Cúc không thực hiện thì UBND huyện Phú Quốc mới ra quyết định cưỡng chế, tổ chức lực lượng phá dỡ công trình trái phép. “Ngoài ra, không tổ chức, cá nhân nào được quyền đập phá tường rào bà Cúc. Việc ông Du và nhóm người tổ chức thực hiện đập phá tường rào bà Cúc là hành vi vi phạm pháp luật và mang tính chất có tổ chức”, vị luật sư nói.
Bà Cúc cho biết, trong bối cảnh kinh tế Phú Quốc đang ngày một phát triển, doanh nghiệp bà muốn đón đầu thời cơ, mở rộng đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp bà đang gặp nhiều khó khăn do sức ép từ những người đập phá tường rào. Thiết nghĩ, chính quyền huyện Phú Quốc cùng các ban, ngành liên quan cần sớm giải quyết những vướng mắc, giúp doanh nghiệp phát triển theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là kiến tạo, hành động và phục vụ doanh nghiệp.