Giả mạo chứng từ?
Năm 2004, vợ chồng ông bà Phạm Văn Lợi, Trần Thị Kim Oanh (trú tại 106 Đặng Nguyên Cẩn, phường 13, quận 6, TP.HCM) xảy ra mâu thuẫn nên khởi kiện ra Tòa xin ly hôn. Theo đơn khởi kiện, ông Lợi yêu cầu Tòa giải quyết tranh chấp, phân chia khối tài sản chung giữa ông và bà Oanh gồm: Căn nhà số 106 Đặng Nguyên Cẩn, phường 13, quận 6; 2.058m2 đất tại số 589 quốc lộ 1A, phường An Lạc, huyện Bình Tân và nền đất tại 130 Bà Hom, phường 13, quận 6.
Quá trình Tòa án giải quyết phân chia tài sản, ông Lợi phát hiện quyền sử dụng lô đất diện tích 2.058m2 tại số 589 quốc lộ 1A, phường An Lạc, huyện Bình Tân đã chuyển cho bà Võ Thị Mầu (mẹ ruột bà Oanh – PV) đứng tên quyền sử dụng đất từ năm 2002.
Sở dĩ, bà Mầu đứng tên lô đất này là nhờ vào giấy ủy quyền ngày 23/9/2002 ông Lợi ủy quyền để bà Oanh chuyển nhượng cho bà Mầu diện tích đất trên bằng hợp đồng tặng cho. Giấy ủy quyền này được UBND phường An Lạc, quận Bình Tân chứng thực nhưng có nội dung không rõ ràng. Tiêu đề giấy ủy quyền ghi “Giấy ủy quyền v/v xin chuyển nhượng quyền sử dụng đất”, trong khi nội dung ủy quyền lại là “thay mặt tôi ký hợp đồng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất sau”.
Ngoài ra, số chứng minh nhân dân của bà Mầu được ghi trên giấy ủy quyền là 024179249, nhưng theo xác nhận của Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP.HCM thì bà Mầu được cấp số chứng minh nhân dân trên lần đầu tiên vào ngày 11/13/2003. Như vậy, ngày ký giấy ủy quyền này, số chứng minh nhân dân của bà Mầu ghi trong giấy ủy quyền là chưa hề được cấp.
Hơn nữa, căn cứ Công văn số 543/UBND ngày 31/12/2008 của UBND phường An Lạc thì hồ sơ lưu trữ không có tên ông Phạm Văn Lợi ký ủy quyền ngày 23/9/2002. Có thể thấy, giấy ủy quyền này đã sai phạm cả hình thức và nội dung, do đó giấy ủy quyền này không có giá trị pháp lý nên việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền căn cứ giấy ủy quyền trên để cho bà Oanh được sang nhượng phần đất này cho bà Mầu liệu có đúng pháp luật?
Kháng nghị liệu có căn cứ?
Theo Bản án sơ thẩm số 167/2010/DS – ST ngày 08/9/2010 của TAND quận 6 và Bản án phúc thẩm số 381/2011/HNTP ngày 04/4/2011 của TAND TP.HCM nhận định: Đối với phần đất 2.058m2 tại 589 quốc lộ 1A, phường An Lạc, huyện Bình Tân và nền đất tại số 130 Bà Hom, phường 13, quận 6 được ông Lợi, bà Oanh mua trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng, nên quyết định chia đôi tài sản.
Không đồng ý, bà Oanh và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (bà Mầu) có đơn khiếu nại giám đốc thẩm Bản án phúc thẩm nói trên; đồng thời VKSNDTC ra Kháng nghị số 141 ngày 21/10/2011 yêu cầu Tòa Dân sự (TANDTC) hủy cả hai bản án trên, với lý do: Phần đất 2.058m2 tại 589 quốc lộ 1A, phường An Lạc, huyện Bình Tân hiện do bà Mầu quản lý và đứng tên, do trước đây ông Lợi ủy quyền cho bà Oanh chuyển nhượng cho bà Mầu (giấy ủy quyền giả mạo ngày 23/9/2002 – PV).
Đối với nền đất tại 130 Bà Hom, phường 13, quận 6, kháng nghị cho rằng Tòa án hai cấp đã không xác minh làm rõ vợ chồng ông Lợi, bà Oanh có bao nhiêu tiền, nguồn thu nhập, ai là người quản lý và chi tiêu trong gia đình, hàng tháng trừ sinh hoạt còn tích lũy bao nhiêu, tích lũy từ thời gian nào… để có thể mua được phần đất này.
Mặc dù vấn đề này đã được làm rõ trong Bản án sơ thẩm số 167/2010 xác định: “Về nguồn tiền mua tài sản, theo chứng cứ mà ông Lợi xuất trình làm nghề chế tác các nữ trang cùng dịch vụ cầm đồ, có thu nhập ổn định. Do vậy nguồn tiền mua tài sản của vợ chồng là có cơ sở. Do vậy, lời trình bày của bà Oanh xác định tài sản phát sinh trong thời kỳ hôn nhân giữa bà và ông Lợi có được đều chỉ là đứng tên giùm mẹ ruột, hay vay mượn của mẹ ruột, dì ruột mà có là hoàn toàn thiếu tính thuyết phục và cơ sở pháp lý”.
Việc VKSNDTC yêu cầu chứng minh nguồn tiền để mua tài sản như trên để xác định sự thật của vụ án liệu đã khách quan, bởi việc xác minh nguồn tiền chỉ là căn cứ xem xét bổ sung chứ không phải là chứng cứ để chứng minh sở hữu về tài sản - ông Lợi bức xúc cho biết.
Từ đó, Quyết định Giám đốc thẩm số 293/2012/DS – GĐT Tòa Dân sự TANDTC, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm xét thấy bản án sơ thẩm của Tòa án quận 6, bản án phúc thẩm của Tòa án TP.HCM quyết định y án sơ thẩm là có căn cứ pháp luật, nên kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC yêu cầu hủy các bản án nêu trên là không có cơ sở chấp nhận.
Tuy nhiên, VKSNDTC tiếp tục kháng nghị đối với quyết định giám đốc thẩm của Tòa Dân sự TANDTC theo thủ tục giám đốc thẩm. Dù vậy, nội dung kháng nghị lần này không có gì khác với các Quyết định kháng nghị trước đây. Mong rằng, TANDTC tới đây sẽ đưa ra phán quyết khách quan, đúng pháp luật nhằm đảm bảo quyền lợi của đương sự và tính nghiêm minh của pháp luật.