Theo thông tin được đưa ra từ Hội thảo, ĐBSCL đang mất dần độ cao trong những thập kỷ qua. Tốc độ bồi lắng quá nhỏ, với lượng phù sa hạn chế do việc suất lũ giảm và tình trạng khai thác cát dọc theo các con sông. Tình trạng sụt lún ở ĐBSCL diễn ra ngày càng phức tạp và một trong những nguyên nhân chính yếu là do khai thác nước ngầm quá mức.
Bản đồ sụt lún cho thấy Cần Thơ là điểm nóng, là nơi dễ thấy hiện tượng sụt lún nhất, các tòa nhà cao tầng như trung tâm thương mại và mua sắm gây ra tải trọng cho cơ sở hạ tầng, kết hợp với việc khai thác nước ngầm tràn lan dẫn đến tỷ lệ sụt lún cao…
Mực nước ngầm trong các tầng chứa nước ở Cần Thơ đã xuống mức thất nhất vào năm 2020 kể từ khi bắt đầu quan trắc năm 1991. Sụt lún đất đang xảy ra rõ rệt. Tốc độ sụt lún do Bộ TN&MT đo lường tăng lên 4,37cm/năm từ năm 2005-2017. Khảo sát của InSAR từ năm 2015-2019 cho thấy, Cần Thơ là điểm nóng về sụt lún đất với tốc độ vượt quá 5cm/năm ở hầu hết các khu vực.
TS. Hà Quang Khải, Trường Đại học Bách khoa TP HCM cho biết, hệ thống sông ngòi dày đặc của ĐBSCL rất nhạy cảm với vấn đề biến đổi khí hậu. Theo số liệu thống kê năm 2010, mỗi ngày có hơn 2 triệu m3 nước ngầm được khai thác. Tuy nhiên, đây chỉ là số liệu thống kê từ các cơ quan nhà nước, thực tế còn tồn tại tình trạng người dân tự tiện khai thác, khoan giếng lấy nước ngầm sử dụng. Đặc biệt, theo ông Khải, nếu TP Cần Thơ cứ gia tăng khai thác nước ngầm mỗi năm 2% thì đến năm 2100 thì một số vùng có thể sẽ bị ngập dưới mực nước biển.
Khai thác nước ngầm quá mức dẫn đến tình trạng sụt lún nghiêm trọng tại ĐBSCL. |
Trước thực tế phải nhìn nhận là "ĐBSCL đang chìm xuống", trao đổi tại hội thảo, ThS Nguyễn Hữu Thiện - Chuyên gia độc lập về sinh thái đã khẳng định rất nhiều lần: “Chúng ta ở trên con tàu đang chìm”.
Thảo luận và nhìn nhận thực tế sụt lún tại ĐBSCL và việc thực hiện Nghị định 167 về xây dựng và triển khai phương án khoanh định vùng hạn chế khai thác nước ngầm, các đại biểu đều đồng thuận với tinh thần của Nghị định 167, tuy nhiên vẫn còn nhiều thiếu sót, bất cập: chưa có quy hoạch chung về nước ngầm cho vùng nên khó thực hiện ở khu vực giáp ranh… các đại biểu cho rằng vấn đề khai thác nước ngầm không phải phân theo địa giới hành chính mà là tính theo lưu vực nên phải có sự tính toán, quy hoạch theo vùng, chứ không phải “chuyện riêng” của từng tỉnh. Nếu làm như thế sẽ phát sinh nhiều bất cập, thiếu tính đồng bộ trong triển khai thực hiện.
Theo các nhà nghiên cứu, về kỹ thuật của việc quản lý nước ngầm gặp nhiều khó khăn về điều tra cơ bản, điều tra hiện trang. Cần xem xét mỗi địa bàn tồn tại những công trình nào, những giếng khoan hiện hữu, các công trình cấp phép và không cấp phép… Qua đó, xác định được các tiêu chí phân tích. Phân vùng điều tra không kỹ, cảm tính sẽ có sự nhầm lẫn giữa các vùng. Từ đó, áp dụng biện pháp không đúng, không phù hợp.
Nhiều tuyến đường TP Cần Thơ chìm trong biển nước những khi triều cường dâng cao. |
Bên cạnh đó, về khâu quản lý, lại gặp khó khăn về số liệu. Chưa có sự thống kê đầy đủ, chính xác về trữ lượng, túi nước ngầm… Đặc biệt, tình hình quản lý và sử dụng nước ngầm đang rơi vào tình trạng: “Nước ngầm dễ khai thác, giá rẻ, quản lý không chặt chẽ”. Cần Thơ cũng có chủ trương hạn chế sử dụng nước ngầm. Nơi nào có nước sạch sử dụng sẽ không cho phép dùng nước ngầm nhưng việc quản lý chưa triệt để. Đồng thời một thử thách lớn nữa là không quản lý được lượng nước khai thác của doanh nghiệp, người dân không chủ động trám lấp giếng.
Theo các chuyên gia, nhà khoa học, để giải quyết được vấn đề nước ngầm, một trong những vấn đề giải pháp là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân trong việc khai thác nước ngầm. Đặc biệt, cần có hệ thống pháp luật đủ mạnh, đủ lớn để bảo vệ nguồn nước ngầm ĐBSCL.
TS. Tô Quang Toản, Phó Trưởng phòng Đào tạo và Hợp tác quốc tế, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho biết, theo thực tế nghiên cứu có thể thấy khai thác nước ngầm gia tăng rõ rệt, quy mô theo tuyến khai thác lớn, hộ gia đình… dẫn đến sụt lún. “Có nghiên cứu nói khai thác nước ngầm chưa gây hậu quả nghiêm trọng nhưng phần lớn thấy ảnh hưởng khai thác nước ngầm khá rõ”, ông Toản nhấn mạnh.
Theo ông Toản, quy hoạch đánh giá nước ngầm phải mang quy mô khu vực ĐBSCL, Nghị định 167 phải đưa định hướng đến năm 2050 phải giảm khai thác nước ngầm bao nhiêu. Đồng thời, cũng chưa nêu ra định hướng giảm khai thác nước ngầm.