THƯ TÒA SOẠN
Xuân Nhâm Thìn đang tràn ngập khắp non sông đất nước!
Mùa xuân là mùa của lễ hội. Chẳng biết tự bao giờ, lễ hội, bao gồm cả lễ hội truyền thống và lễ hội hiện đại, đã trở thành một nhu cầu sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trên mảnh đất hình chữ S, có tới 54 dân tộc đang cùng nhau chung sống này. Đầu năm du xuân, hành hương, thư giãn và thăng hoa với cộng đồng trong các lễ hội đã trở thành nét đẹp truyền thống của người dân Việt.
Ai cũng biết, lễ hội bao gồm cả phần “lễ” và phần “hội” và để làm nên một lễ hội thường gồm có hai chủ thể chính là “người mở hội” và “người dự hội”. Người ta chẳng mở hội và làm “lễ” thì lấy đâu ra hội mà “trẩy”. Còn nếu hội mở chỉ có “lễ” mà không có đông người dự thì sao gọi là “hội” được. Song, vì nhiều lý do, trong hội lễ người ta thường quên chủ thể thứ ba là “nhà quản lý”.
Để bảo đảm lễ hội diễn ra lành mạnh, có ý nghĩa, nhà quản lý được Nhà nước trao cho một “công cụ” để làm căn cứ thực thi quyền và trách nhiệm của mình, đó là những quy định pháp luật. Đối với các hành vi tốt thì biểu dương, khen thưởng, còn với các hành vi vi phạm nhẹ thì nhắc nhở, hoặc cảnh cáo, nặng hơn nữa thì có thể xử phạt hành chính...
Tuy nhiên, ở một sự kiện đông đúc và phức tạp như lễ hội, để ba chủ thể ấy cùng gặp nhau ở một mục đích chung, tốt đẹp, không phải là dễ. Vậy nên, ngoài những ứng xử văn hóa, rất mong các “chủ thể” không quên tuân thủ những quy định pháp luật khi tham gia lễ hội. Đó cũng là chủ đề chính của số Chuyên đề Xuân Nhâm Thìn này.
Đầu Xuân, rất mong các cơ quan hữu trách ngày một đổi mới cách thức tổ chức và quản lý lễ hội để chẳng những giữ gìn truyền thống tốt đẹp của dân tộc mà còn phù hợp với tinh thần thời đại.
Chúc bạn đọc một năm an khang, thịnh vượng, cùng một mùa lễ hội như ý.
Thân ái!
Tổng Biên tập
TS. Đào Văn Hội