Thủa bé, tôi vẫn sà vào lòng mẹ để được ấp iu. Tôi vẫn ôm lấy chị mà khóc khi bị đứa trẻ hàng xóm lớn hơn bắt nạt. Tôi vẫn hà hít hơi ấm từ cơ thể mẹ và chị, vừa phảng phất hương thơm châu thổ, vừa có sự dịu mát của làn da trắng vẫn hằng tắm nước giếng khơi bên dưới những tán dừa. Tôi vẫn ước mình mãi là một đứa trẻ đừng bao giờ lớn. Để bóng mát mẹ và chị luôn bao trùm lấy tôi, luôn chở che và gìn giữ.
Đứa con quê ra phố nào cũng vậy, luôn luôn tiềm tàng trong lòng một hồi ức về mẹ, và bao giờ ở nơi quê đó cũng gắn đời mẹ với nỗi nhọc nhằn. Tôi đã sống được bằng sự nhọc nhằn của mẹ. Tôi đã lớn lên bằng tình yêu và những giọt mồ hôi của mẹ đổ xuống. Cánh đồng tốt tươi và những mùa vụ bội thu, là sự sâu kết của những tháng ngày đằng đẵng chăm bón.
Chị lớn hơn tôi và chị chung tay cùng mẹ nuôi tôi ăn học. Nào mùa lúa mùa khoai. Nào mùa ngô mùa đậu. Sức mạnh của tình yêu của mẹ và chị đã vượt qua cả ngàn cơn nắng, biết bao nhiêu mưa gió và toát lạnh mùa đông. Một sự kỳ vĩ như núi non xa thẳm. Những chiếc nón trắng nhấp nhô trên đồng luôn làm cả cánh cò cảm động, luôn là sắc màu trang điểm những vạt đồng quê sinh động và tươi mới.
Tôi cứ thấy cánh đồng nên xanh, rồi đồng lại chín mùa thu hoạch. Hẳn mẹ và chị phải yêu đồng đất quê mình lắm. Hẳn phải có một sự gắn kết nào đó, như là mạch chảy của sự gắn kết, nên con người và cánh đồng mới có thể bổ trợ cho nhau một cách hài hòa đến thế.
Tôi vẫn nhớ năm nào, mẹ dạy tôi yêu cánh đồng và chị dạy tôi yêu những cái cây. Khi con người biết sẻ chia và biết yêu những điều nhỏ bé, giản dị, thì người đó sẽ yêu những điều lớn lao, yêu đồng loại. Như thể chim bay trên trời thì cũng yêu bầu trời, yêu cánh gió và cả những con diều bay cao vi vút.
Như thể con cá bơi yêu nước, thì cũng yêu cả màu nước trong dưới hồ ao, yêu cánh sen, cái bèo, yêu sự sống nhiệm mầu đã cho mình hiện diện ở trên đời. Tôi chợt nhớ lời một đứa con yêu quê đã viết: “Mẹ trao cho tôi một ngọn gió đồng/Tiếng cu gáy vọng trời xa khó nhọc/Vết bùn non gót chân ngày đi học/Để khi xa tôi nhớ lối về làng...”.
Bây giờ thì tôi lập nghiệp ở thành phố. Có vợ và con. Tôi vẫn tha thiết yêu quê mình, và nhớ lối về làng như lối đi về thẳm sâu tình yêu mẹ. Chị tôi đã sang sông, lấy chồng. Ngày chị đi lấy chồng, mưa giăng kín con sông quê và bến đò nghèo. Mẹ dặn dò con gái chân cứng đá mềm. Chị vâng lời và trên đôi mắt long lanh, chị thương mẹ giờ ở một mình với bến sông, với cánh đồng. Tôi an ủi: “Chị bên kia sông, mẹ bên này sông, cách nhau là mấy”.
Chẳng cách nhau là mấy, nhưng chị lo cho mẹ, chị yêu mẹ, nên đoạn đường ngắn thành ra hun hút. Yêu mẹ và thương chị quá chừng. Rút cuộc thì chị cũng phải đi lấy chồng, dẫu là muộn, nhưng chị cần phải có hạnh phúc của riêng mình, phải không chị? Bởi sau chị, sẽ còn những cuộc đời khác lớn lên.
Tôi cứ thấy thân thương làm sao, xúc động làm sao! Bản thân chưa làm được gì cho mẹ và chị. Mà suốt những mùa qua, đã được hưởng sự săn sóc của hai người phụ nữ tôi hằng yêu và trân trọng, như thể chẳng bao giờ vơi cạn được những ước vọng mong mỏi ở gần. Nhưng mẹ ơi, chị ơi và cánh đồng, hẳn chúng ta phải chấp nhận quy luật phải không?
Thể nào chúng ta vẫn phải lớn lên, phải già đi, chúng ta phải có những đứa con. Và những đứa con đó sẽ tiếp nối thế hệ đi trước, để vun đắp cho cuộc đời, cho cánh đồng. Để lại hy sinh cho cuộc đời. Và vì thế mà thế giới này tồn tại.